Phòng cháy, chữa cháy tại các cảng cá miền trung (Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Tăng cường biện pháp phòng chống cháy, nổ Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với tàu cá, cảng cá là nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại cho ngư dân vùng biển. Tuy nhiên những năm qua, công tác đầu tư hệ thống PCCC tại cảng cá ở các tỉnh miền trung chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ. Nhiều cảng cá chưa có hệ thống PCCC đạt chuẩn, nhiều cảng được đầu tư nhưng không đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả khi xảy ra hỏa hoạn. Vì vậy, cần có những giải pháp bền vững để công tác này ngày càng tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập cứu hộ, cứu nạn tàu gặp sự cố cháy nổ tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).
Diễn tập cứu hộ, cứu nạn tàu gặp sự cố cháy nổ tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).

Hệ thống PCCC chưa được đầu tư, chưa đồng bộ

Là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Quảng Ngãi, cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ là nơi lưu trú của 400 tàu, thuyền. Mỗi năm, cảng Mỹ Á đón hơn 2.000 lượt tàu, thuyền cập bờ. Để phòng chống nguy cơ cháy nổ, năm 2020 cảng được đầu tư hệ thống PCCC gồm các hạng mục đường ống nước chữa cháy chung quanh khu vực cảng; 17 họng trụ tiếp nước, trạm bơm và bể chứa 100m3 nước phục vụ công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn tàu, thuyền. Trưởng ban Quản lý cảng cá Mỹ Á Lê Đức Đạo cho biết, dù được đầu tư mới hệ thống PCCC nhưng đến nay công trình này vẫn chưa hoạt động. “Đơn vị thi công, đầu tư bàn giao thiết bị, hiện trạng hệ thống chữa cháy nhưng chưa hướng dẫn sử dụng để chúng tôi vận hành. Tiếp nhận sử dụng mà đơn vị thi công chưa hướng dẫn, thì làm sao vận hành khi có cháy nổ”, ông Đạo lo lắng.

Dù là cảng biển lớn với hơn 300 tàu, thuyền thường xuyên neo đậu và 6.000 lượt tàu ra vào mỗi năm nhưng cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ vẫn chưa được đầu tư hệ thống PCCC. Do cảng chỉ mới được đầu tư giai đoạn 1 nên một số hạng mục chưa được xây dựng, như trụ neo buộc tàu, thuyền, hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn quy định. Trưởng ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh Đặng Thị Ngọc Ánh cho biết: “Là cảng cá lớn của tỉnh Quảng Ngãi nhưng đến nay cảng Sa Huỳnh chưa có hệ thống PCCC. Chúng tôi rất mong có hệ thống PCCC và kiến nghị ngành chức năng xem xét khẩn trương đầu tư hệ thống PCCC đủ tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền của ngư dân”.

Tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Sa Huỳnh và Lý Sơn, hệ thống PCCC chưa được đầu tư, thiết bị PCCC hư hỏng, xuống cấp không thể sử dụng. Để phòng chống cháy nổ, các cảng cá trang bị phương tiện hỗ trợ gồm các loại bình chữa cháy cầm tay, hệ thống bơm nước, ống dẫn nước và cát chữa cháy… Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ đối phó tạm thời, khi xảy ra cháy tàu diện rộng thì nguy cơ thiệt hại cho ngư dân càng cao.

Ngư dân Trần Văn Thành chia sẻ: “Khi có cháy nổ, chúng tôi cần lực lượng PCCC nhưng gọi cứu hỏa phải hơn tiếng sau mới có xe đến. Nếu có thiết bị PCCC sẵn thì ngư dân hỗ trợ cứu tàu sẽ nhanh hơn”.

Nâng cao hiệu quả PCCC tại các cảng cá

Theo ngư dân Nguyễn Tâm ở xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), chủ tàu, thuyền thực hiện nghiêm quy trình, quy tắc về an toàn PCCC nổ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị máy móc trên tàu, thuyền. “Chúng tôi đã đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống điện, vật liệu chống cháy, sơn phủ cách nhiệt tại các vị trí có nguy cơ cháy cao. Gia sản lớn nhất là chiếc tàu này, nếu chẳng may gặp bất trắc thì nguồn sống của các gia đình thuyền viên sẽ gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi hết sức cẩn thận trong mọi thời điểm”, anh Tâm khẳng định.

Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, đơn vị được giao quản lý, vận hành 4 cảng cá gồm: Phú Lạc, Đông Tác, Tiên Châu và Dân Phước. Các cảng cá có nhiều hạng mục công trình như: nhà điều hành, nhà phân loại cá, nhà sửa chữa ngư cụ, nhà chứa khay. Hằng năm, nơi đây tiếp nhận khoảng 13.500-14.500 lượt tàu cá ra, vào bốc dỡ hàng thủy sản, tiếp nhận lương thực, thực phẩm cho chuyến biển. Để bảo đảm an toàn nhất là trong thời tiết nắng nóng cực đoan như hiện nay rất dễ xảy ra chập, cháy khi sử dụng các thiết bị điện, Ban Quản lý cảng cá đã thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, tập trung rà soát củng cố phương án PCCC, kiện toàn tổ/đội PCCC tại các cảng cá; cử nhân viên tham dự các lớp tập huấn, đào tạo do cơ quan công an tổ chức và các đơn vị tập huấn cho nhân viên, kiểm tra dụng cụ, công cụ, thiết bị sẵn sàng phục vụ cho công tác PCCC.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người làm việc trên tàu cá, cảng cá; hướng dẫn chủ tàu cá thực hiện các quy định về PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC; tổ chức thực tập phương án, biện pháp chữa cháy. Ngành chức năng tỉnh Phú Yên yêu cầu các chủ tàu cá hoạt động trong khu vực cảng cá neo trú đúng khu vực, bố trí người trực tàu cá thường xuyên để kịp thời ngăn chặn các tình huống cháy, nổ xảy ra.

Hằng năm, Công an tỉnh Bình Định phối hợp các ban quản lý cảng cá tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đăng kiểm viên, kiểm ngư, cán bộ quản lý tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và các địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác PCCC đối với tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Đại tá Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết, các đơn vị đã xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với chủ tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền; tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống cháy nổ vùng cảng biển để nâng cao ý thức đối với các chủ tàu cá và ngư dân địa phương…

Các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ cho người làm việc trên tàu cá, cảng cá, khu neo đậu cho tàu cá. Qua đó, đưa ra các biện pháp, giải pháp tăng cường công tác PCCC phù hợp điều kiện thực tế.

(★) Xem Báo Nhân Dân Trang Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ngày 18/4/2024.