Phối hợp triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2%

NDO -

Chiều 6/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành ngân hàng bằng nguồn lực của mình đã chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.

Để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định 31.

"Đây là chính sách sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn, với mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, số lượng ngân hàng thương mại tham gia nhiều, do đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị mà Quốc hội, Chính phủ giao, đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các ngân hàng thương mại, khách hàng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ nhiệm vụ được giao tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước...

Sau khi nghe các ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, nhất là giai đoạn từ khi dịch Covid-19 khởi phát, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp và bằng chính nguồn lực của mình để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Công tác huy động vốn-tín dụng của ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Theo đó, đến 30/6/2022, huy động vốn đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51%; tín dụng đạt gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%), cao hơn nhiều mức cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra đại dịch) và năm 2020, 2021 là hai năm chịu tác động nặng của đại dịch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, hỗ trợ lãi suất 2% là chính sách phù hợp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.

“Tôi được biết, về kế hoạch, dự kiến triển khai, số tiền mà các ngân hàng thương mại đăng ký đã vượt mức 40.000 tỷ đồng mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, cho nên Ngân hàng Nhà nước cần chủ động xem xét, phân bổ lại hạn mức cho các ngân hàng để tổng số vốn kế hoạch nằm trong mức vốn được giao”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Đến nay, các cơ quan đều thống nhất mục tiêu, quan điểm của chính sách hỗ trợ lãi suất là bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, do vậy Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần triển khai chính sách một cách đồng bộ, thống nhất. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đối tượng hỗ trợ lãi suất. Bộ Tài chính bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ. Bộ Xây dựng sớm công bố công khai danh sách dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định…