Dự tại điểm cầu cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Đây là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc bắc-nam phía đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ, chiều dài tuyến 23km.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với quốc lộ 1 tại nút giao cầu Chà Và.
Quang cảnh lễ khánh thành công trình cao tốc Mỹ Thuận–Cần Thơ tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long. |
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 4/1/2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, gồm nhiều dự án thành phần, trong đó qua địa phận tỉnh Vĩnh Long có 2 dự án, gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và Dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Đến nay, 2 Dự án được khánh thành là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Giao thông vận tải. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương; đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của bà con, người dân trong khu vực dự án đi qua.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận–Cần Thơ tại điểm cầu Vĩnh Long. |
Đây là 2 trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. 2 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình nối liền tuyến đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành phố trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành phố trong vùng.
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ lưu thông lúc 7 giờ ngày 24/12/2023. |
Đối với tỉnh Vĩnh Long, 2 dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, còn giúp giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long.
2 dự án sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư,… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ý nghĩa lớn hơn khi thời gian tới, các dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769 ngày 26/8/2023, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi,…).
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ hoàn thành kết nối toàn tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ sẽ được rút ngắn thời gian nhiều hơn. |
Đặc biệt, ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển 2 hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền).
Qua đó, phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Đồng thời, đầu tư các tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ theo quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.