Phở ở Paris

Sang Paris hai tháng, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã vài lần được thưởng thức phở. Lần đầu là ở nhà một anh chị Việt kiều. Có lẽ thấy chúng tôi hơn một lần "ca cẩm" nhớ phở nên anh chị mời chúng tôi đến nhà sau nhiều lần hẹn lên hẹn xuống và anh chị đã bỏ khá nhiều công sức vào nồi phở. Từ sáng, anh chị đã ra siêu thị mua xương bò về ninh lấy nước. Nước dùng ngọt và đậm đà thật. Thịt thì nhiều vô kể. Tuy không thể ngon bằng phở ngoài hàng nhưng ở nhà làm được bát phở như vậy là cố gắng lắm rồi.

Lần thứ hai, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp Trần Tứ Nghĩa dẫn chúng tôi vào một quán ăn Việt Nam ở góc phố nhỏ Mông-giơ, quận 5. Quán Gia đình Việt Nam (Foyer Vietnam) không biển hiệu nhưng khá đông khách. Quán nhỏ bé nhưng lịch sự và ấm cúng. Ấn tượng đầu tiên là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng trên cao, ở một vị trí dễ nhìn thấy nhất trong quán. Không khí ấm cúng gia đình khiến khách ăn và chủ quán, anh Võ Văn Thận trở nên thân tình hơn. Anh Thận quê ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sang Paris từ lâu. Anh từng làm đầu bếp cho những nhà hàng nổi tiếng ở thủ đô nước Pháp nhưng vẫn mơ ước mở một quán ăn Việt Nam. Cuối cùng, mơ ước của anh đã trở thành hiện thực dù Foyer Vietnam không mang lại cho anh thu nhập cao. Ngoài ra, Foyer Vietnam còn là một đầu mối của Hội người Việt Nam tại Pháp quyên góp tiền ủng hộ đồng bào quê hương và thế giới như bão lụt ở miền trung, động đất và sóng thần ở châu Á - Thái Bình Dương vừa qua...

Anh chiêu đãi chúng tôi phở và bánh cuốn Thanh Trì. Dù không thể ngon bằng phở Hà Nội nhưng món ăn của người con mang nặng tình cảm hướng về quê hương cũng khiến chúng tôi thêm ấm lòng nơi xứ lạ.

Lần thứ ba, chúng tôi ăn ở Thiền viện Trúc Lâm: Phở chay. Giao thừa Tết cổ truyền Ất Dậu, chúng tôi lên chùa thắp hương và vãn cảnh. Chùa Trúc Lâm tọa lạc trên một quả đồi yên tĩnh và thơ mộng ở ngoại ô Paris. Từ trung tâm thủ đô nước Pháp đi ô-tô đến chùa mất khoảng 30 phút. Lên chùa, rời xa Paris tấp nập người đi lại, xe cộ nườm nượp, bỏ lại sau lưng những lo toan thường nhật, bỗng thấy lòng thanh thản. Chùa Trúc Lâm khánh thành tháng 6-1990 sau mười năm xây dựng. Thiền viện khá bề thế nằm thoai thoải theo triền đồi. Chùa hiện chỉ có 3 nhà sư. Lên đỉnh đồi có thể nhìn ra khắp vùng chung quanh. Xa hơn nữa, thấy Paris rực sáng với tháp Eiffel vươn thẳng lên trời cao lập lòa ánh điện. Sau khi leo dốc đã thấm mệt, xuống phòng tiếp đón khách, chúng tôi được chùa chiêu đãi món phở chay như lộc đầu năm nhà chùa dành cho khách. Bát phở thật hấp dẫn, cũng thịt, cũng hành nhưng tất cả đều được làm từ đậu.

Lần thứ tư, anh bạn Việt kiều dẫn tôi đến một quán phở có tên Phở 14 sau khi thăm lớp học tiếng Việt buổi tối ở quận 13. Các quán phở hầu hết đều tập trung ở quận 13, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Phở 14, theo lời giới thiệu của nhiều Việt kiều, là một trong những quán phở ngon nhất Paris. Nằm ở vị trí khá đẹp, ngay gần ngã tư của hai phố lớn là đại lộ Soa-di và phố Tôn-bi-ắc, quán rộng chừng 25 m2, đông nghịt khách. Kế bên, quán phở Hùng - sông Hương cũng nườm nượp khách vào ăn. Ðiều lạ là phần đông khách người nước ngoài. Tôi tự hỏi sao dân Tây thích ăn phở đến thế. Chờ một lúc lâu mới có ghế ngồi. Nhìn vào thực đơn, không có phở gà. Chúng tôi gọi một đĩa bánh cuốn, hai bát phở bò to và hai cốc trà đá. Bát phở đúng là to thật, gấp đôi bát phở ở Hà Nội. Nó có vị ngọt đường của phở Nam Bộ. Thêm một đĩa giá sống, rau mùi tàu, húng chó. Vẫn thấy thiếu một cái gì đó của hương vị phở Hà Nội. Nước dùng được ninh từ xương bò, cũng đậm đà đấy nhưng không trong. Còn đĩa bánh cuốn, gọi là đĩa nhưng chỉ vỏn vẹn năm lát bánh mỏng tang và vài miếng giò. Giá tiền lại không "mỏng" chút nào: 5 euro một đĩa. Ðiều khiến chúng tôi chạnh lòng nhất là quán ăn Việt Nam nhưng tiếng Việt không được sử dụng ở đây. Các nhân viên phục vụ, có vẻ đều là người gốc Việt Nam nhưng không thấy nói tiếng Việt. Dù chúng tôi đã cố nói rất chậm tiếng Việt, họ hiểu nhưng chỉ trả lời bằng tiếng Pháp.

Suốt quãng đường trở về nhà, tôi và anh bạn đồng nghiệp không nói với nhau một lời. Tôi thấy có một chút buồn gợn trong mắt anh. Riêng tôi lại nhớ đến câu hát "Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội", chợt nhận ra rằng không ở đâu bằng quê hương mình.