Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiểm tra công tác tổ chức bầu cử tại Thái Bình

NDO -

Chiều 19-3, Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do đồng chí Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Bình về việc triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của địa phương, đến ngày 14-3, Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Bình tiếp nhận hồ sơ của 13 người ứng cử đại biểu QH khóa XV, trong đó có 12 người ứng cử do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu; một người tự ứng cử. Cơ cấu kết hợp: Nữ 7/13 (53,8%); người ngoài Đảng 3/13 (23,08%); Tuổi trẻ 4/13 (30,7%); Tái cử 1/13 (7,7%).

Cùng thời gian này, Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp nhận hồ sơ của 124 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 598/602 người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 12.407/12.431 người giới thiệu ứng cử và 16 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã nhất trí lập danh sách sơ bộ 13 người ứng cử đại biểu QH khóa XV và 124 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Hội nghị nhất trí triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Thời gian tiến hành từ ngày 21-3 đến 13-4-2021. Thái Bình dự kiến tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba chậm nhất ngày 18-4; thành lập các Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu thuộc các xã, phường, thị trấn chậm nhất ngày 3-4; lập và niêm yết danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu chậm nhất ngày 13-4.

Toàn tỉnh dự kiến thành lập 2.086 khu vực bỏ phiếu, trong đó: 112 khu vực bỏ phiếu nhờ nhà dân. Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ bầu cử như con dấu, hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ; công tác bảo vệ an ninh, công tác tuyên truyền, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đang được địa phương tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ quy định.

Khó khăn hiện nay của Thái Bình là số lượng cử tri đi làm ăn xa nhiều, do đó việc thống kê, rà soát cử tri trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; những xã sáp nhập còn gặp khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp, cơ cấu đại biểu ứng cử HĐND cấp xã đối với các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã như Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, kiểm tra, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao việc chuẩn bị, tổ chức triển khai công tác bầu cử của tỉnh rất bài bản, kỹ lưỡng với tinh thần chủ động. Người giới thiệu ứng cử được phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng theo khối, ngành, lĩnh vực phù hợp, số dư cần thiết và cơ cấu kết hợp được bảo đảm theo hướng dẫn của Trung ương.

Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bầu cử, nhất là  quyền bầu cử và ứng cử của công dân. Tiếp tục nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về cuộc bầu cử; kịp thời có định hướng trước những vấn đề nổi cộm, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, Thái Bình cần tập trung rà soát, kiểm tra các công việc đã thực hiện, chỉ đạo và tổ chức triển khai thật tốt các nhiệm vụ còn lại từ nay đến ngày bầu cử. Vận động cử tri hăng hái đi bỏ phiếu bầu cử đủ số lượng, bầu được người tiêu biểu có đức, có tài để ngày 23-5 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Về những vướng mắc, khó khăn địa phương nêu, đồng chí cho rằng, phần lớn đây là những việc nhỏ, tỉnh có thể linh hoạt xử lý, tháo gỡ. Riêng đối với việc in ấn tài liệu phục vụ bầu cử phải thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu, đang ảnh hưởng phần nào đến tiến độ cấp phát tài liệu cho các huyện, xã, đồng chí tiếp thu, ghi nhận và sẽ báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản.