Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp xúc cử tri tại Quảng Ngãi

NDO - Ngày 5/12, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã có các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đại biểu Quốc hội với ngành y tế và góp ý Luật Nhà giáo.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri Quảng Ngãi.

Tại buổi tiếp xúc với ngành y tế, cử tri nêu băn khoăn, hiện Quảng Ngãi thiếu nhân lực y tế trong một số chuyên ngành, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi không đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao về công tác, bác sĩ tốt nghiệp chính quy không muốn về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã; nhiều trường đại học không còn đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ; một số trường có đào tạo thì học phí quá cao.

Hiện nay, tỷ lệ tự chủ tài chính cao, cho nên các cơ sở y tế không đủ kinh phí chi trả lương, thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, thiếu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; phụ cấp tiền trực cho cán bộ, viên chức ngành y tế còn rất thấp, không có phụ cấp thâm niên ngành; công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Cử tri lo lắng cơ sở vật chất của một số cơ sở y tế được xây dựng từ lâu nên hiện xuống cấp làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do các hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, thường xuyên thay đổi, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cử tri ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi mong muốn ban hành cơ chế, chính sách chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích, giữ chân dành riêng cho cán bộ y tế, nhất là đối với bác sĩ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp xúc cử tri tại Quảng Ngãi ảnh 1

Cử tri ngành y tế Quảng Ngãi kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất và tự chủ tài chính đối với cơ sở y tế.

Đồng thời, đề xuất sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ, vì điều kiện, tiêu chuẩn thu hút nhân lực theo nghị định này rất cao, trong khi số lượng sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc rất ít, hầu như không thể thu hút được; điều chỉnh tỷ lệ tự chủ giai đoạn 2023-2025 cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành y tế, đặc biệt các đơn vị miền núi, khó khăn; kiến nghị Chính phủ chi tiết về nội dung đánh giá ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu hoặc quy định cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có am hiểu về đánh giá chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa và công khai hàng hóa được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu để các cơ sở y tế căn cứ thực hiện.

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Luật Nhà giáo, cử tri cho rằng phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm là chưa phù hợp với Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP; quy định phải đủ 3 năm trở lên kể từ khi tuyển dụng mới được thuyên chuyển là chưa phù hợp với Luật Viên chức và thực tế, bởi hàng năm cơ quan quản lý phải tuyển dụng giáo viên thay thế cho người nghỉ hưu, nghỉ việc, thuyên chuyển công tác. Do đó, chỉ quy định 12 tháng (trong thời gian tập sự) theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Cử tri đề nghị nên bổ sung thêm đối tượng thuộc các cơ sở giáo dục khuyết tật “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường khuyết tật nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp xúc cử tri tại Quảng Ngãi ảnh 2

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đại biểu Quốc hội với ngành y tế Quảng Ngãi.

Phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, sự hy sinh, cống hiến ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng và trăn trở của cử tri ngành y tế Quảng Ngãi, đồng chí cho rằng tỉnh cần có chính sách nổi trội trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là thu hút bác sĩ người Quảng Ngãi về quê hương công tác, cống hiến.

Đồng chí đề nghị lãnh đạo tỉnh cũng như ngành y phải chú trọng vào 3 vấn đề, đó là cơ sở vật chất, phân cấp khám chữa bệnh và tự chủ tài chính, trong đó chú trọng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, để những bệnh thông thường người dân không phải lên tuyến trên. Đồng thời, cần đổi mới tư duy thiên về quản lý sang tư duy vừa quản lý vừa kiến tạo, tập trung tháo gỡ, khơi thông mọi nguồn lực, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thông tin đến cử tri về việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, đồng chí nhấn mạnh, những năm gần đây, Quốc hội tiến hành giám sát ngay cả khi mới ban hành chính sách, giám sát trong quá trình thực hiện chính sách và giám sát sau khi có kết quả.

Đối với những kiến nghị của cử tri ngành y thuộc về thẩm quyền của tỉnh, đồng chí đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Tỉnh ủy xem xét có giải pháp tháo gỡ. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của cử tri theo thẩm quyền để kiến nghị với các cơ quan Trung ương nghiên cứu, xử lý.