“Hạnh phúc của mẹ” kể về cuộc sống của một người mẹ đơn thân nuôi cậu con trai mắc chứng tự kỷ. Cậu bé không thể đến trường như các bạn đồng trang lứa mà phải ở nhà. Niềm vui của cậu bé là theo dõi các chương trình vũ đạo trên truyền hình. Một ngày kia, người mẹ phát hiện ra mình bị ung thư. Chị quyết định tạo sự tự tin cho con bằng cách đưa con lên thành phố dự một cuộc thi tài năng cho trẻ em. Phim có sự góp mặt của các diễn viên Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn.
Giải thưởng Cánh diều vàng năm nay có thể nói là “so bó đũa, chọn cột cờ” khi mặt bằng phim dự thi năm nay nói chung chất lượng không cao, lại thêm dịch Covid-19 gây khó khăn nhiều đến việc sản xuất và phát hành phim nói chung.
“Hạnh phúc của mẹ” còn giành thêm sáu giải cá nhân, gồm: giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Cát Phượng, Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Lê Văn Kiệt, Kịch bản xuất sắc nhất cho tác giả Nguyễn Thị Ngọc Bích, giải Quay phim xuất sắc nhất cho tay máy Võ Thanh Tiền, Âm thanh xuất sắc nhất cho Vũ Thành Long, Diễn viên triển vọng cho Huy Khang.
Giải Cánh diều bạc thuộc về “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt, có sự tham gia của nữ diễn viên Ngô Thanh Vân trong cả hai vai trò nhà sản xuất và nữ diễn viên chính.
Giải bạc thứ hai được trao cho “Truyền thuyết về Quán Tiên”, của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, một trong những phim hiếm hoi về đề tài chiến tranh cách mạng.
Năm nay, ở hạng mục phim truyền hình, các phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC thực hiện và phát sóng trong thời gian qua đã bội thu giải thưởng. “Về nhà đi con” giành giải Cánh diều vàng cho phim truyền hình, cùng các giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, giải Diễn viên triển vọng dành cho Bảo Hân.
Cặp "Khuê - Thái" của "Hoa hồng trên ngực trái".
Giải Cánh diều bạc được trao cho hai bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” và “Lời nguyền Domino”. Các diễn viên Ngọc Quỳnh, Hồng Diễm của “Hoa hồng trên ngực trái” còn được trao giải Nam và Nữ diễn viên xuất sắc nhất của phim truyền hình.
Một số phim khác của VFC như “Bán chồng”, “Mê cung”, “Mùa cúc susi” cũng giành được những giải thưởng quan trọng của Cánh diều vàng đối với cả cá nhân và tác phẩm.
Thông tin từ Hội Điện ảnh Việt Nam, đơn vị tổ chức giải cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh, cho nên không tổ chức lễ trao giải như mọi năm mà chỉ thực hiện nội bộ. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí cũng đã bị hạn chế đến tham dự lễ trao giải.
Được biết, kể từ khi thông báo về giải thưởng Cánh diều tới các đơn vị sản xuất phim trong cả nước, BTC đã nhận được 113 tác phẩm, trong đó có 16 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 34 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 15 phim hoạt hình, 17 phim ngắn và sáu công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh. Trong số phim truyện dự thi năm nay có ba phim do Nhà nước đặt hàng, là “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Lính chiến” và “Hợp đồng bán mình”.
BTC cũng cho biết, sau nhiều lần hoãn vì dịch, ngoài lễ trao giải diễn ra ngày 12-5 tại Hà Nội, lễ trao giải tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào ngày 16-5.
KẾT QUẢ CÁNH DIỀU 2020
Phim truyện điện ảnh
- Cánh diều vàng: “Hạnh phúc của mẹ” (Đạo diễn Huỳnh Đông)
- Cánh diều bạc: Hai Phượng (Đạo diễn Lê Văn Kiệt), Truyền thuyết về Quán Tiên (Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)
- Bằng khen: Anh trai yêu quái (Đạo diễn: Vũ Ngọc Phượng), Gái già lắm chiêu 3 (Đạo diễn Bảo Nhân, Namcito)
- Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích và Lương Kim Liên, phim “Hạnh phúc của mẹ”.
- Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh: Phạm Huỳnh Đông, phim “Hạnh phúc của mẹ”
- Quay phim xuất sắc phim truyện điện ảnh: Võ Thanh Tiền, phim “Hạnh phúc của mẹ”
- Thiết kế mỹ thuật xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nguyễn Minh Đương; phim “Hai Phượng”
- Âm nhạc xuất sắc phim truyện điện ảnh: Trần Mạnh Hùng, phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”
- Âm thanh xuất sắc phim truyện điện ảnh: Vũ Thành Long, phim “Hạnh phúc của mẹ” và “Mắt biếc”
- Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Kiều Minh Tuấn vai Phong, phim “Anh trai yêu quái” và vai bác sĩ Tùng Sơn, phim “Nắng 3”
- Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Cát Phượng, vai Mẹ Tuệ, phim “Hạnh phúc của mẹ”
- Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Isaac, vai Lâm, phim “Anh trai yêu quái”
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: NSND Hồng Vân, vai Mệ nội, phim “Gái già lắm chiêu”
- Diễn viên triển vọng: Oanh Kiều (vai Thùy Linh), phim Nắng 3, Huy Khang (vai Tim), phim “Hạnh phúc của mẹ”.
Phim truyện truyền hình
- Cánh diều vàng: “Về nhà đi con” (Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng)
- Cánh diều bạc: “Hoa hồng trên ngực trái” (Đạo diễn Vũ Trường Khoa); “Lời nguyền Domino” (Đạo diễn Nhâm Minh Hiền)
- Bằng khen: “Chạy trốn thanh xuân” (Đạo diễn Vũ Minh Trí); “Mùa cúc Susi” (Đạo diễn Phạm Lộc); “Ngũ hợi tấn hỷ” (Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng)
- Biên kịch xuất sắc phim truyện truyền hình: Khánh Bùi, Nhâm Minh Hiền, phim “Lời nguyền Domino”
- Đạo diễn xuất sắc phim truyện truyền hình: NSƯT Nguyễn Danh Dũng, phim “Về nhà đi con”
- Quay phim xuất sắc phim truyện truyền hình: Dương Tuấn Anh - Nguyễn Mạnh Hùng, phim “Mê cung”
- Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Ngọc Quỳnh, vai Thái, phim “Hoa hồng trên ngực trái”
- Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Hồng Diễm, vai Khuê, phim “Hoa hồng trên ngực trái”
- Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình: Doãn Quốc Đam, vai Fedora, phim “Mê cung”
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình: Cao Thái Hà, vai Diệu Ngọc, phim “Bán chồng”
- Giải Diễn viên triển vọng: Bảo Hân, vai Ánh Dương, phim “Về nhà đi con”
Phim khoa học
- Đồng Cánh diều vàng: “Cuộc chiến chống SARS” (Đạo diễn: Lưu Ngọc Ánh); Lò đốt rác thải sinh hoạt (Đạo diễn Nguyễn Lê Văn, Nguyễn Hồng Việt)
- Cánh diều bạc: “Một giải pháp mềm” (Đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng); “Ghép tạng” (Đạo diễn Phạm Hồng Thắng), “Ma túy không dược chất” (Đạo diễn: Vũ Hoài Nam)
- Bằng khen: “Năng lượng mặt trời” (Đạo diễn: Dương Ngọc Hòa)
Phim tài liệu
- Cánh diều vàng: “Chư Tan Kra” (Đạo diễn Vũ Minh Phương)
- Cánh diều bạc: “Hành trình một thương hiệu” (Đạo diễn Trần Ngọc Thuyết); "Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Hoàng Thủy Nguyên - Nhà virus học và chế tạo vacxin hàng đầu Việt Nam" (Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Vũ Thị Thu Hiền)
- Bằng khen: “Hành trình về phía bình minh” (Đạo diễn Nguyễn Đức Phương); “Tôi ghét tôi” (Đạo diễn Nguyễn Đức Anh), "Đất gọi" (Đạo diễn Nguyễn Thu)
- Đạo diễn xuất sắc phim tài liệu: Không có.
- Quay phim xuất sắc phim tài liệu: Trần Xuân Chung, phim “Hành trình thư pháp Việt”
Phim ngắn
- Cánh diều vàng: Không có
- Cánh diều bạc: “Mộng tưởng đen” (Đạo diễn Dương Phước Trung), “Hết hồn” (Đạo diễn Nguyễn Thị Thu Hằng)
- Bằng khen: “Cô ấy là Thanh” (Đạo diễn Phạm Thanh Nga); “Bí mật của mặt nạ (Đạo diễn Trần Hằng), Bà ơi (Đạo diễn Phan Thị Như Loan)
Phim hoạt hình
- Cánh diều vàng: Con chim gỗ (Đạo diễn Trần Khánh Duyên)
- Cánh diều bạc: Sơn Tinh - Thủy Tinh (Đạo diễn Lê Bình); Tàn thể tiền truyện (Đạo diễn Đặng Hải Quang)
- Bằng khen: Dịch vụ quỷ sứ - Chiếc mũi dài (Đạo diễn Đặng Hải Quang); Sự tích cốm làng Vòng (Đạo diễn Hoàng Lộc); Huyền thoại hồ Núi Cốc (Đạo diễn Phùng Văn Hà)
- Đạo diễn xuất sắc phim hoạt hình: Trần Khánh Duyên, phim Con chim gỗ
- Họa sĩ chính xuất sắc phim hoạt hình: Hà Huy Hoàng - Đoàn Anh Kiệt, phim Tàn thể tiền truyện
Công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh
- Cánh diều vàng: Không có
- Cánh diều bạc: Giáo trình lý thuyết và thực hành Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh, Tác giả: TS. Trần Quang Minh; Tập tiểu luận Những dấu vết trên mặt đất; Tác giả: TS. Vũ Ngọc Thanh.
- Bằng khen: Công trình nghiên cứu - phê bình Đạo diễn phim truyện Việt Nam - Phần II; Nhiều tác giả; Viện phim Việt Nam xuất bản; Công trình nghiên cứu - phê bình Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng; Tác giả: PGS.TS Lê Thị Bích Hồng.