Philippines: Hàng triệu học sinh đến trường sau 2 năm gián đoạn do Covid-19

NDO - Ngày 22/8, hàng triệu học sinh tại Philippines lần đầu quay lại trường học sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Đến nay, nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế vốn được triển khai để kiểm soát dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cậu bé Jhay Ar Calma (10 tuổi) thường xuyên phải trèo lên mái nhà ở một khu phố nghèo của thủ đô Manila để kết nối thiết bị di động với internet để học trực tuyến. (Ảnh: Reuters)
Cậu bé Jhay Ar Calma (10 tuổi) thường xuyên phải trèo lên mái nhà ở một khu phố nghèo của thủ đô Manila để kết nối thiết bị di động với internet để học trực tuyến. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Chính phủ Philippines quyết định chấm dứt học từ xa, hôm nay các em học sinh tại quốc gia Đông Nam Á này đã được đến trường học trực tiếp. Tất cả các học sinh tham gia học trực tiếp tại trường đều đeo khẩu trang, xếp hàng để vào lớp học và dự lễ chào cờ tại sân trường.

Đứng trong lớp học đang bị ngập đến mắt cá chân, cô giáo Mylene Ambrocio (37 tuổi, tỉnh Pampanga) chia sẻ: "Trong 2 năm chúng tôi mong mỏi được đến trường vì vậy dù có ngập lụt thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục buổi học. Tôi vui mừng khi được gặp trực tiếp các em học sinh".

Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và giới hạn về sĩ số lớp học vẫn có hiệu lực.

Hiện nay, Bộ Giáo dục Philippines yêu cầu học sinh học trực tiếp ít nhất 3 ngày trong 1 tuần. Từ ngày 2/11, tất cả học sinh sẽ chuyển sang học trực tiếp 5 ngày trong 1 tuần.

Nhà chức trách Philippines đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học sinh được học trực tiếp đối với sự tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan khẳng định: "Chúng tôi cam kết theo đuổi mục tiêu mở cửa đất nước hoàn toàn, trong đó có việc đưa trẻ đến trường học trực tiếp để giải quyết những thiệt hại về giáo dục và thúc đẩy các hoạt động trong nước".

Philippines là một trong những quốc gia đóng cửa trường học lâu nhất trên thế giới trong thời gian đại dịch bùng phát do việc mở cửa trở lại trường học bị trì hoãn bởi tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 và cuộc bầu cử đầu năm nay.

Việc chuyển sang học trực tuyến, tự học theo các mô-đun (đơn vị học tập) và học theo chương trình truyền hình, phát thanh được cho là một thách thức lớn đối với quốc gia có hơn 110 triệu dân với chưa đầy 1/5 số hộ gia đình có kết nối internet và nhiều hộ còn thiếu thiết bị di động.