Ngày 4/12, tại thành phố Cao Lãnh đã diễn ra phiên toàn thể hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Tấm gương trọn đời vì nước, vì dân”.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Minh và Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện dòng họ Nguyễn Sinh, hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học…
Tháng 5, về Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
Trong hành trình đến miền đất phương nam của Tổ quốc, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1862, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng đến nhiều nơi ở Nam Kỳ… để gặp gỡ, đàm luận với các nhân sĩ, trí thức yêu nước về thế sự nước nhà, có lúc dạy chữ nho hoặc xem mạch, kê đơn thuốc chữa bệnh cho người dân.
Năm 1927, Cụ trở lại Cao Lãnh và sống tại đây đến cuối đời, vận động thanh niên tham gia phong trào yêu nước. Với hình ảnh một nhà nho có kiến thức uyên thâm, một người thầy thuốc tận tâm, có cuộc sống thanh bạch, giản dị và nhân cách hiền từ, gần gũi, Cụ Nguyễn Sinh Sắc được bà con làng Hoà An, Cao Lãnh rất cảm mến và quý trọng.
Tiến sĩ Lê Quốc Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG) |
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Tiến sĩ Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết, hội thảo là hoạt động thiết thực để tri ân cuộc đời vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là những ảnh hưởng to lớn của Cụ đối với sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đối với vùng đất và con người Đồng Tháp và tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Đồng Tháp với Cụ.
Những phát hiện, tổng kết, nhận định từ các tham luận tại hội thảo sẽ bổ sung nhiều tư liệu, đúc kết giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng, làm nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh học tập và noi theo tấm gương trọn đời vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
“Hội thảo còn góp phần củng cố thêm ý chí, niềm tin, niềm tự hào và quyết tâm, nghị lực tiếp nối sự nghiệp cách mạng vẻ vang đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thế hệ trước đặt nền móng và trao truyền lại, chuẩn bị thật tốt các điều kiện, góp phần quan trọng đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Tại phiên toàn thể hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã trình bày các tham luận, thảo luận tập trung vào 3 nhóm chủ đề: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, thương dân”; “Những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”; “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. |
Nhiều tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ hơn cuộc đời và những hoạt động, đóng góp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ thể như: “Truyền thống quê hương, gia đình hình thành nên nhân cách nhà nho yêu nước, thương dân Nguyễn Sinh Sắc”; “Nguyễn Sinh Sắc - người gieo mầm lý tưởng, khơi dậy chí lớn ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Gắn việc học tập nhân cách của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của nhân dân Đồng Tháp"…
Tiến sĩ Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, hội thảo còn là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy khát vọng phát triển, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Sau hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện về cuộc đời, hoạt động, tư tưởng tiến bộ, phẩm chất cao quý của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để lan tỏa những giá trị đến các tầng lớp nhân dân.
Đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị của Khu di tích mang tên Cụ, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, điểm tham quan hấp dẫn cho du khách”, đồng chí Đinh Thị Mai đề nghị.