Gần 3 tuần sau cơn đại địa chấn khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng đầu tháng 2, bên trong những thành phố, làng mạc của các tỉnh đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, thời gian dường như đã ngừng lại.
NHỮNG THÀNH PHỐ NƠI THỜI GIAN NGỪNG LẠI
Từng được mệnh danh là Antioch-thành phố lớn nhất Hy La thời cổ đại, Antakya (Hatay) có một con phố đặc biệt mang tên Kurtulus. Người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, đây là con đường đầu tiên trong lịch sử được chiếu sáng vào ban đêm bởi ngọn đuốc của những quân đoàn La Mã. Trong hàng nghìn năm qua, Kurtulus luôn hiện thân như một biểu tượng của thành phố không ngủ, luôn nhộn nhịp bước chân người.
Từng có quá khứ huy hoàng, nhưng con đường ánh sáng Kurtulus giờ đã tan hoang, không một bóng người. |
Tất cả đã dừng lại sau đại địa chấn. Sencer Con AlperCon đã dẫn đường cho chúng tôi tới “thủ phủ ánh sáng” của Antakya theo một cách không bao giờ anh có thể nghĩ tới. Mặc dù đã là giữa trưa, nhưng con đường dẫn vào Kurtulus lại rất vắng bóng người. Hai bên, những nhà hàng, di tích lịch sử, khu chợ cổ… hầu hết đã bị phá hủy. Thánh đường Hồi giáo Habib-i Neccar-nơi thu hút hàng triệu du khách mỗi năm cũng bị đóng cửa do những thiệt hại nặng nề sau động đất.
Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, Antakya từng được ví như Antioch-thành phố lớn nhất Hy La thời cổ đại.
Trong nhiều năm đưa khách đi tham quan thành phố ven sông Orentos, chưa bao giờ, Sencer chứng kiến cảnh này. Trước thời điểm động đất, đã từng có trên 200.000 người sinh sống tại Antakya. Thế nhưng, giờ đây, “cư dân mới” của thành phố ấy chỉ còn là các tình nguyện viên, cảnh sát, quân đội và cả những công nhân đang lầm lũi dọn dẹp trên những đống đổ nát cao quá đầu người.
Một người đàn ông trầm ngâm bên nơi đã từng là nhà mình. Phía sau, chiếc xe cũ của anh đã hư hỏng nặng. Con phố từng là trung tâm ánh sáng của Antakya giờ gần như trống rỗng và đầy thương đau. |
“Bây giờ, tôi không biết có thể đưa các bạn tới đâu vì tất cả đã bị phá hủy rồi”, anh nói, “Hầu hết mọi người đã rời khỏi thành phố. Họ di chuyển lên Ezrin, Istanbul hoặc Adana… là những nơi còn an toàn. Một số ít khác đang sinh sống trong các khu vực lều trại tạm thời ngoài ngoại ô thành phố”.
Phải đợi rất lâu, chúng tôi mới có thể gặp được một bóng người. Từ phía bờ sông Orentos, Fuat, 56 tuổi lái chiếc xe cũ nát đã móp méo ì ạch vượt qua đống đất đá vương vãi rồi đỗ lại sát lề đường, đối diện Thánh đường Habib-i Neccar. Ngay bên cạnh, một chiếc xe hiệu Fiat nhô ra khỏi hàng tấn bê-tông đang đè nặng lên. Mặc quần ngủ, khoác chiếc áo lấm lem bùn đất, Fuat mở cửa bước ra, rồi đứng trân trối nhìn vào khu chợ cổ Kurtulus lúc này đã hoàn toàn bị vùi lấp.
Thánh đường Habib-i Neccar đổ nát sau thảm họa. |
Fuat cho hay, gia đình ông may mắn thoát chết sau thảm họa ngày 6/2 nhưng toàn bộ tài sản thì đã mất hết.
“Chúng tôi chỉ kịp chạy ra ngoài. Không còn gì cả ngoài chiếc ô-tô và vài bộ quần áo mặc trên người”, người đàn ông 56 tuổi dựa lưng vào chiếc xe hơn 30 năm của mình u ám nói.
Bất ngờ, Fuat đứng thẳng dậy rồi đột ngột leo qua đống phế tích cao vài mét để vào căn nhà cũ của mình. Chừng 10 phút sau, ông trở ra với nét mặt hớn hở khi trên tay đã có 5 con gà còn sống. Chia lại cho hàng xóm một con, Fuat vội vã cho “chiến lợi phẩm” vào bao tải, chất lên ghế sau rồi vội vã nổ máy. Qua cửa kính, ông cho hay: Ông sẽ mang lũ gà về nơi tị nạn để nuôi.
Fuat (bên phải) vui mừng khi tìm được 5 chú gà từ đống đổ nát. Với ông, đó là thứ tài sản vô cùng quý giá lúc này. |
“Đây là những thứ rất quý giá thời điểm này”, Fuat cố nói to để át tiếng máy xúc ầm ầm, “Tôi sẽ mang chúng về nơi ở tạm cách đây 10km”.
Khi chiếc xe chòng chành, nhả khói đen thui rời đi, con đường ánh sáng Kurtulus lại vắng bóng người. Thi thoảng, trên thùng những chiếc xe tải chạy ngang qua, vài người thất thần ngồi co ro, mắt nhìn đăm đăm vào đống phế tích đầy lo lắng.
Ám ảnh quá khứ và nỗi đau sau đại địa chấn dường như vẫn còn hằn in trên khuôn mặt người đàn ông 57 tuổi này. |
Càng đi sâu hơn vào các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất tại Hatay, chúng tôi càng bắt gặp nhiều hơn những thành phố, thị trấn trống rỗng. Khu vực từng là ngân hàng lớn nhất thành phố Antakya chỉ còn để lại 3 người bảo vệ trông coi. Showroom ô-tô lớn, chợ dân sinh, ngân hàng, trường học… đều im lìm nghiêng đổ. Về đêm, đèn chỉ sáng bên trong những dãy lều trại trắng đang mọc lên ngày càng nhiều bên rìa Antakya cổ kính. Trên bầu trời, chốc chốc lại xuất hiện vài chiếc trực thăng ù ù bay…
ÁM ẢNH TỪ QUÁ KHỨ
Tại Nurdagi (Gaziantep), công cuộc dọn dẹp đã cơ bản được hoàn tất. Máy móc, thiết bị cơ giới đã rút khỏi hiện trường. Nhưng thị trấn nhỏ dường như bị chia thành hai nửa: Phía bên ngoài rộng hàng nghìn mét vuông không một bóng người và khu vực công viên bên trong bạt ngàn lều trại.
Nurdagi, thị trấn vốn đông đúc ngày nào giờ chỉ còn lại những hoang tàn, đổ nát. |
Là cảnh sát tại Nurdagi, Onur Ozturk (40 tuổi) cho hay: Sau thảm họa, thị trấn đã mất đi khoảng 10.000 cư dân. Phần lớn những người còn sống sót cũng đã chuyển sang các khu vực an toàn khác để lánh nạn.
“Hiện nay, chỉ còn khoảng 500 hộ dân cùng khoảng 2.000 người trụ lại trong khu lều trại này”, Onur nói.
Nhìn từ trên cao, nửa cũ của Nurdagi đã hoàn toàn trống rỗng. Các công trình còn may mắn chưa gục ngã cũng nứt nẻ dọc ngang. Trên mặt đất vẫn còn có thể thấy rõ những tàn dư của cuộc sống ngay trước thảm họa: Các mẩu ghi chú, áo khoác te tua rách, một hộp đựng thức ăn móp méo, chú gấu bông treo lửng lơ bên cửa sổ tòa nhà… Tất cả đều yên lặng một cách kỳ lạ. Dường như, thời gian nơi đây đã thực sự dừng lại ở thời điểm đại địa chấn mới xảy ra, gợi lên những ký ức kinh hoàng còn chưa kịp nguội tắt…
Thời gian dường như ngừng trôi tại các thành phố, thị trấn, làng mạc tại Thổ Nhĩ Kỳ. |
Thời gian không chỉ ngừng lại với những thành phố, thị trấn hay làng mạc… mà còn khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể thoát ra khỏi những ám ảnh trong quá khứ.
Dù đã gần 3 tuần trôi qua sau thảm họa, nhưng chiều nào, Ahmet Kaya Baba, 50 tuổi cũng ngồi thừ trên ghế, mắt hướng về Nurdagi ngày nào. Ahmet dường như vẫn sống trong thế giới của riêng mình, ngay khi trận động đất vừa xảy ra.
4 giờ 17 phút, rạng sáng 6/2, khi đang ngủ thì ông bỗng thấy nghe thấy tiếng đổ vỡ mạnh. Ngay sau đó, mặt đất dưới chân chao đảo dữ dội.
Ahmet vội vã cùng vợ và hai con chạy ra ngoài trước khi cả tòa nhà sụp đổ. Thế nhưng, cô con gái 22 tuổi Selma Kaya Anne thì mãi mãi nằm lại. Vào thời điểm ấy, ông thậm chí bất chấp nguy hiểm lao vào tìm Anne. Đến khi chạm được tay cô đang nhô ra từ hàng tấn gạch đá, Ahmet đã cố lay gọi. Nhưng đáp lại ông chỉ là những tiếng gào khóc chung quanh.
Video: Nỗi đau của những người ở lại. |
“Tôi liên tục xin Thánh Allah ban phước lành và khiến điều kỳ diệu có thể xuất hiện với con bé. Nhưng Anne không về. Con bé và chồng sắp cưới mới chỉ đính hôn vài ngày trước. Cả hai giờ đều đã mất”, Ahmet thất thần kể.
Ngồi ngay đằng sau, bà Olen Kizi Betigul Kaya, vợ ông nức nở khóc. Hai người phụ nữ kế bên phải ôm chầm lấy Olen để bà không ngã xuống mặt cỏ. Trong một khoảnh khắc, tất cả những người có mặt đều lặng im.
Bà Olen Kizi Betigul Kaya (bên phải) òa khóc khi nhắc tới con gái Anne. |
Ahmet run rẩy rút chiếc điện thoại ra, đưa cho chúng tôi xem. Hình nền ông vẫn để ảnh của Anne trong ngày đính hôn. Cô gái xinh đẹp cười rạng rỡ, đôi mắt ánh lên niềm vui. Như cảm thấy chưa đủ, người cha mở hẳn album trong máy. Bên trong toàn hình chụp của Anne và chồng sắp cưới.
“Tất cả giờ đã không còn. Con bé còn quá trẻ để phải chết. Tôi ước gì, người ra đi thay con bé là mình”, Ahmet Kaya Baba không còn giữ nổi bình tĩnh nữa.
Tất cả những gì còn lại để nhớ về Anne chỉ là bức ảnh mà ông Ahmet đang dùng làm hình nền điện thoại... |
Cách đó không xa, ông Yasar Uzun (47 tuổi) cũng chưa thể quên những gì đã diễn ra.
“Mọi thứ đến quá nhanh. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng động lớn như bom nổ thì căn chung cư đã rung lắc dữ dội. Tôi chạy tới phòng kế bên, ôm chặt lấy lũ trẻ rồi nằm úp xuống cạnh giường, miệng liên tục cầu Thánh Allah. Vài phút sau, chúng tôi cố thoát ra ngoài bằng cửa chính thì phát hiện đã không thể mở được do đất đá bên ngoài đè”, ông Yasar nhớ lại.
Đúng lúc tưởng chừng hy vọng đã vụt tắt thì mảng tường phía sau phòng ngủ bất ngờ bị vỡ. Qua bóng tối mờ mịt, Yasar đưa cả nhà leo xuống dưới. Chung quanh ngổn ngang đổ nát và liên tục vang lên những tiếng gọi, tiếng khóc thất thanh.
Trong thảm họa, mặc dù cả nhà còn sống sót, nhưng 16 anh em, bạn bè, người thân của Yasar đã mãi mãi nằm lại. Ông bảo, họ đã về với Thánh Allah trong một hành trình “đau đớn nhất”.
Yasar đã mất đi 16 người anh em, bạn bè, người thân sau đại địa chấn. |
Tuncer Emlak, phóng viên đến từ tờ báo Baba Haber của Gaziantep cũng có những trải nghiệm kinh hoàng trong đại địa chấn. Từng đưa tin về nhiều thảm họa, nhưng chưa bao giờ Tuncer nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân của động đất.
“Sau trận động đất đầu tiên, tôi chạy ra khỏi nhà. Lúc này, trận động đất thứ 2 lại ập đến. Cả căn nhà tôi ở bị xé rách, sập đổ hoàn toàn. Lạy Thánh Allah, tôi đã mất đi gần 20 người thân ở đó”, Tuncer chỉ ra phía thị trấn cũ vắng bóng người kể.
Cuộc sống bên trong nơi tạm trú của các nạn nhân động đất. |
Cách đó 500km, tại Antakya, Ersin Ulgu là chủ một nhà máy sản xuất giày da cỡ nhỏ tại Antakya (Hatay). Sống sót sau thảm họa, ngày ngày Ersin cùng một vài người công nhân của mình vẫn đi bộ từ trại tị nạn tạm thời vào thành phố. Ông đứng rất lâu trước dãy xưởng cũ, châm một điếu thuốc rồi trầm ngâm nhìn vào bên trong. Thi thoảng, khi thấy một chiếc giày nhàu nhĩ mắc trên những cọc thép cong queo, Ersin lại cúi đầu.
“Sẽ rất lâu nữa, chúng tôi mới có thể thoát khỏi ám ảnh này. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mạnh mẽ và sẽ khỏe lại thôi”, Ersin Ulga nói giữa tiếng gió xào xạc thổi lên từ dòng Orentos đang ngầu đục chảy.