Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã”

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã”

NDO - Là nơi có nhiều di tích mang dấu ấn văn minh thời cổ đại, thế nhưng Antakya (Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ) lại vừa bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng. Những nhà thờ cổ kính, giáo đường Hồi giáo hàng thiên niên kỷ, dãy phố cổ bên dòng Orentes hiền hòa… tất cả đều bị đổ sập và vùi lấp trong niềm luyến tiếc của cả nhân loại.

TAN HOANG NHÀ THỜ HỒI GIÁO ULU CAMII

Đã hơn 2 tuần nay, Fuat, một tình nguyện viên tại Antakya nhận nhiệm vụ trông coi Ulu Camii - Nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất Hatay. Thế nhưng, tất cả những gì còn lại của di tích lịch sử hơn 300 năm tuổi bên cạnh Fuat chỉ còn là một đống đổ nát, hoang tàn. Trận động đất rạng sáng 6/2 đã khiến Ulu Camii với tòa tháp cao vốn trở thành biểu tượng của Antakya gần như bị xóa sổ.

Fuat ngồi trên một chiếc ghế làm bằng két sắt hư hỏng nặng, mắt nhìn về phía Thánh đường nay đã bị quây kín mít bởi hàng rào tôn được sơn đỏ. Cách đó chừng vài mét, cảnh sát cũng giăng dây để chặn mọi người vào. Một loạt tòa nhà cạnh Ulu Camii cũng đã bị động đất xé rách, bẻ gập chỉ chực chờ đổ sập.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 1

Một công trình cũ bên dòng sông Orentes bị đổ sập. (Ảnh: Thành Đạt)

“Ulu trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa là nhất, Camii là vĩ đại. Người Antakya coi đây là một thánh đường linh thiêng bậc nhất. Rất nhiều người đã tới để cầu nguyện và bày tỏ niềm thương tiếc bên đống tàn tích của một quá khứ huy hoàng”, tình nguyện viên này nói với phóng viên Báo Nhân Dân.

Phía bên kia sông Orentes, những dãy nhà cũng có cùng chung số phận. Gạch đá, sắt thép ngổn ngang, chỉ còn nhô lên một tòa tháp theo phong cách Hồi giáo như một điểm nhấn đau đớn trên nền trời xanh ngắt của xứ Nam Âu.

“Ulu trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa là nhất, Camii là vĩ đại. Người Antakya coi đây là một thánh đường linh thiêng bậc nhất. Rất nhiều người đã tới để cầu nguyện và bày tỏ niềm thương tiếc bên đống tàn tích của một quá khứ huy hoàng”.

Men theo hàng rào cao quá đầu người, chúng tôi ngước mắt để cố tìm bóng dáng của Thánh đường Ulu Camii ngày nào. Thế nhưng, tất cả còn sót lại chỉ là 2 cây thông chót vót. Nhìn từ trên cao, Nhà thờ Vĩ đại nhất của Antakya chỉ còn là gạch đá. Phần hiếm hoi còn sót lại sau thảm họa là dãy nhà 2 tầng chứa một phần tài liệu, kinh sách nhưng cũng đã gần ngã gục.

Sencer Con Alper, 34 tuổi, tới từ Adana cũng không thể tin vào mắt mình khi tới Antakya. Những bức tường có bài thơ viết bằng chữ dát vàng, những tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ hàng trăm năm tuổi… nay đã hoàn toàn trở thành lịch sử.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 2

Nhìn từ trên cao, Ulu Camii chỉ còn lại là tàn tích. Những dấu vết huy hoàng trong quá khứ đã bị cơn địa chấn xô ngã. (Ảnh: Thành Đạt)

Ulu Camii được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 18 dưới thời Mamluk và được sửa chữa nhiều lần dưới thời Ottoman. Nhà thờ có hình chữ nhật kéo dài theo hướng đông-tây. Điểm nổi bật của công trình là tòa tháp cao hình trụ theo phong cách nhà thờ Hồi giáo. Đáng chú ý, thánh đường này cũng đã từng bị xô đổ trong trận động đất vào năm 1872. 2 năm sau, Ulu Camii một lần nữa được trùng tu cho tới khi ngã xuống trong thảm họa đầu tháng 2 vừa qua.

XÓT XA HABIB-I NECCAR

Rời Ulu Camii, chúng tôi tiếp tục men theo sông Orentos ngược về phía bắc để đi tìm nhà thờ Hồi giáo Habi-i Neccar cách đó không xa. Theo lời giới thiệu của anh bạn người Thổ Nhĩ Kỳ, đây là nhà thờ được xây dựng từ năm 638 khi Antakya bị người A-rập Hồi giáo chinh phục và cũng là nhà thờ Hồi giáo đầu tiên được xây dựng của quốc gia này. Nhà thờ được đặt tên theo tên của một người thợ mộc đã tử vì đạo. Kinh Qur’an nổi tiếng cũng từng nhắc tới nhân vật huyền thoại này một cách đầy tôn kính.

Câu chuyện về Habib-i chưa kịp dứt thì chiếc xe đưa chúng tôi đi đã phải dừng lại. Phố Kurtuluş dẫn tới thánh đường gần như bị phong tỏa. Hai bên, những dãy nhà ngả nghiêng sập tràn ra, khiến lòng đường bị thu hẹp chỉ còn một nửa. Núi gạch đá cao cả chục mét ngổn ngang đủ giường, đệm, bàn ghế và cả… những chiếc ô-tô chỉ còn ló ra một phần.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 3

Ngôi nhà bên trái bị động đất xé rách, nghiêng ngả chực đổ sập. Bên phải, ngọn tháp biểu tượng của thành phố Antakya vẫn đứng vững. (Ảnh: Thành Đạt)

“Đường bị chặn vì máy xúc đang làm việc”, Sencer, người đồng hành thông báo ngắn gọn rồi chỉ tay ra xa. Phía trước, 2-3 thiết bị cơ giới hạng nặng đang vươn tay cẩu múc từng mảng lớn phế tích đổ lên xe thùng nằm chờ sẵn.

Sau 20 phút chờ, cuối cùng chúng tôi cũng tới được Habi-i Neccar cách đó chỉ… 100m. Thánh đường này đã đóng cửa từ sau trận động đất ngày 6/2. Một phần quảng trường bên hông trở thành điểm tập kết cứu trợ.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 4

Bức tường của nhà thờ Hồi giáo Habib-i Neccar bị xé rách sau trận động đất ngày 6/2. (Ảnh: Thành Đạt)

Serkan Borklu đã sống bên đống đổ nát của nhà thờ được gần 2 tuần. Trong khu lều được dựng tạm, người đàn ông 40 tuổi ngày ngày cầu nguyện cho Antakya nói riêng và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung. Serkan cho hay, chỉ mới 1 tháng trước, Habib-i Neccar vẫn còn là địa danh nổi tiếng nhất nhì thành phố, đón hàng nghìn du khách tới thăm.

“Habib-i Neccar đặc biệt vì là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau như Cơ đốc giáo, Hồi giáo…”, Serkan kể. Anh cho hay, thợ mộc Habib-i là cư dân của thành phố này. Ông đã kêu gọi người dân địa phương tin vào các sứ giả của Thánh Allah được nhắc đến trong Kinh Qur’an. Sau cùng, ông đã bị hành hình. Một phần cơ thể lăn xuống núi tới nơi là nhà thờ Hồi giáo hiện nay.

“Nhưng, nhìn xem, giờ chỉ còn là phế tích”, Serkan chua xót nói.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 5
Habib-i Neccar nứt nẻ và nghiêng ngả sau động đất. (Ảnh: Thành Đạt)

Lối vào nhà thờ thông qua một cánh cửa hình vòm với dòng chữ ở giữa nay đã bị đóng . Bức tường với những viên gạch lớn trải qua địa chấn đã xô lệch lô nhô như mảng xếp hình không khít. Phần mái oằn xuống bởi sức nặng của hàng tấn gạch đá, phế liệu chất đầy. Cách đó không xa, bức tượng bên trái đã ngã gục, một phần trang trí mang biểu tượng của trăng lưỡi liềm gập hẳn xuống.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 6
Một bức tượng đã ngã gục, một phần trang trí mang biểu tượng của trăng lưỡi liềm gập hẳn xuống.

Động đất như một bàn tay thô bạo rạch lên bức tường Habib-i Neccar những vết nứt chằng chịt. Ngọn tháp lừng danh vốn đã đứng vững sau trận động đất năm 1853 cũng trở thành đá vụn.

Không chỉ vậy, khu chợ cũ đối diện, một công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa với Antakya cũng nằm trong đống đổ nát. Phố Kurtulus, con đường được chiếu sáng vào ban đêm đầu tiên trên thế giới bởi những ngọn đuốc của người La Mã giờ chìm trong làn bụi mịt mù của máy xúc, ủi.

DỌN DẸP ĐAU THƯƠNG VÀ TÁI THIẾT

Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, Antakya nói riêng, Hatay nói chung là nơi hình thành của nhiều nền văn minh rực rỡ. Nơi đây từng được ví như Antioch-thành phố lớn nhất Hy La thời cổ đại. Tỉnh lỵ nằm bên bờ Địa Trung Hải này cũng đã từng đối mặt với hàng chục trận động đất lớn trong lịch sử. Nhưng sau những đổ nát và thương đau, họ vẫn đứng lên để tái thiết lại đô thị của mình.

Những ngày này, bên phế tích Habib-i Neccar, Serkan Borklu không chỉ cầu nguyện và xót xa quá khứ huy hoàng. Ngày ngày, anh còn kêu gọi và lập một điểm cứu trợ miễn phí cho người dân ngay bên hông giáo đường.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 7

Không chỉ cầu nguyện và tiếc thương, Serkan Borklu còn kêu gọi và lập một điểm cứu trợ miễn phí cho người dân ngay bên hông giáo đường Habib-i Neccar. (Ảnh: Thành Đạt)

Tại Ulu Camii, Fuat cũng đã nghĩ tới việc cùng bạn bè ủng hộ để xây lại nhà thờ lâu đời nhất Atakya. “Tôi nghĩ, mọi thứ sẽ qua. Tôi tin vào tương lai sắp tới”, anh nói.

Bên ngoài trung tâm thành phố, những ngôi nhà được xây trên sườn núi Starius vẫn còn khá nguyên vẹn sau địa chấn. Dãy núi ôm vòng quanh thành phố như một vòng tay cũng đã giúp bảo vệ nhà thờ Thánh Pierre đứng vững trước thảm họa. Đây là một trong những nhà thờ đầu tiên của Ki-tô giáo được xây dựng trên hang núi và có niên đại từ thế kỷ thứ 4. Chỉ duy nhất một phần tường của di tích bị hư hại nhẹ.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 8

Được sự bảo bọc của núi Staris, nhà thờ Thánh Pierre đứng vững trước thảm họa. (Ảnh: Thành Đạt)

Như một cơ duyên, tại “vành đai Starius” này, chúng tôi may mắn gặp được Giáo sư Mehmet Yuva đang tới khảo sát. Ông là một trong những chuyên gia sử học hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Damacus.

Đứng dưới những hang núi của nhà thờ Thánh Pierre, ông cho hay, Hatay vốn nổi tiếng bởi sự hòa trộn của nhiều tôn giáo khác nhau. Lịch sử của miền đất này vốn được cấu thành từ các nền văn minh quan trọng của nhân loại.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 9

Công trình đặc biệt trên núi Starius chỉ bị lở một bức tường sau động đất. (Ảnh: Thành Đạt)

“Người Rome đã từng tới đây, sau đó là đế chế Phoenix. Rồi người Mông Cổ, người Pháp cũng đã đặt dấu chân ở Hatay. Tất cả đã tạo nên một giá trị lịch sử đáng tự hào. Trong vòng 200 năm qua, đã có rất nhiều trận động đất tàn phá nơi này, hàng trăm nghìn người phải bỏ mạng. Thế nhưng, tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua và lần này cũng thế”, Giáo sư Mehmet Yuva nói.

Theo vị chuyên gia này, điều cần làm hiện tại là tìm cách bảo vệ những công trình còn đứng vững; đồng thời dọn dẹp đau thương và hướng tới tái thiết trong tương lai gần.

Từ vùng động đất: Antakya, nơi lịch sử hàng nghìn năm bị “xô ngã” ảnh 10

Giáo sư Mehmet Yuva trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân tại Antakya. (Ảnh: Thành Đạt)

“Chúng tôi có thể khôi phục lại tất cả sau khi dọn dẹp xong đổ nát. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ có những chuyên gia, các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành chuyên về trùng tu. Bản thân tôi cũng đã liên hệ với các giáo sư trên thế giới có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Có lẽ không lâu nữa, những công trình văn hóa đáng quý sẽ lại hồi sinh. Dù bằng cách nào, Hatay sẽ vẫn đứng vững”, giáo sư sinh ra và lớn lên ở chính Hatay nói.

back to top