Bệnh nhân N.V.H được các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City phát hiện khối u khổng lồ (trên 20cm) nằm ở vị trí vùng tiểu khung sàn chậu rất hiếm gặp. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 5-10 ca, chiếm khoảng 5% các ca bệnh ung thư xương.
Trước đó, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tê bì vùng xương chậu gây hạn chế vận động, dáng đi bất thường. Bệnh nhân đã đi thăm khám tại rất nhiều cơ sở y tế nhưng đều nhận được chẩn đoán: chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao dù khối u đã lồi ra ngoài, chèn ép các tạng tiểu khung, gây phù nề và gây teo các cơ xung quanh.
Bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn với hội đồng ung thư bệnh viện. Hội đồng có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong nước đến từ các chuyên ngành phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, tâm lý, dinh dưỡng… Hội đồng ung thư bệnh viện quyết định phẫu thuật triệt căn khối u, xét bổ trợ sau mổ.
Với trường hợp này, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ bởi khối u được cung cấp bởi hệ thống mạch máu lớn và phức tạp, bệnh nhân có thể mất tới 10 lít máu. Việc tiếp cận khối u cũng là một thách thức do khối u đã chèn ép lên các cơ quan trọng yếu như hệ tiêu hóa, tiết niệu, cột sống, khung chậu, mạch máu.
Giáo sư Trần Trung Dũng và Phó Giáo sư Phạm Đức Huấn đang trao đổi về phương án phẫu thuật cho ca bệnh. |
Trong quá trình phẫu thuật, nếu khối u chảy máu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát khi không bộc lộ rõ được khối u và các thành phần liên quan. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ đối mặt với khả năng teo cơ chân trái, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình-Y học Thể thao cho biết, khối ung thư xương khổng lồ như trong tiểu khung (giống như phụ nữ mang thai) đã gây chèn ép thần kinh tọa bên trái, khiến bệnh nhân tê bì teo cơ chân trái. Nếu không điều trị kịp thời không những chân trái mất chức năng mà ngay cả tính mạng cũng bị đe dọa.
Do kích thước khối u tăng sẽ chèn ép và gây tắc hệ thống tiêu hóa hoặc tiết niệu. Vì vậy khối u cần phải loại bỏ sớm để giúp bệnh nhân phục hồi chức năng chi thể và tránh các biến chứng xa của hệ tiêu hóa và tiết niệu.
Bác sĩ Dũng nhận định, đây là một ca đại phẫu kéo dài và cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa nhuần nhuyễn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao.
Ngay sau khi có quyết định hội đồng ung thư các chuyên ngành ngoại khoa, bệnh viện đã lập kế hoạch phẫu thuật tỉ mỉ với sự tham gia của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hơn 30 người.
Vào ngày phẫu thuật, các bác sĩ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu tham gia mổ thì đầu. Các bác sĩ mạch máu sẽ bộc lộ và kiểm soát động chậu, có thể tiến hành thắt mạch khi khối u chảy máu dữ dội. Các chuyên gia tiết niệu sẽ phẫu tích giải phóng bàng quang, tiết niệu ra khỏi khối u. Chuyên gia tiêu hóa sẽ phẫu tích bảo vệ đường tiêu hóa.
Đội ngũ Giáo sư, bác sĩ chúc mừng bệnh nhân ra viện. |
Cuộc đại phẫu kéo dài 8 tiếng và kết thúc thành công như mong đợi. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường. Với tốc độ hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân được ra viện ngày 20/9, chỉ đúng một tuần sau cuộc đại phẫu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật-Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, với trường hợp hiếm gặp như thế này, ở trên thế giới chỉ có một số trung tâm chuyên sâu có thể tiến hành phẫu thuật. Tại Việt Nam, sẽ rất hiếm bệnh viện có thể sẵn sàng nhân lực, thiết bị để xử lý khối u cũng như áp dụng chương trình phục hồi sớm sau mổ giúp bệnh nhân có thể xuất viện chỉ sau một tuần.