Phẫu thuật nhân đạo vì nụ cười trẻ thơ

NDO -

40 trẻ không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phẫu thuật miễn phí trong khuôn khổ chương trình Tháng Phẫu thuật nhân đạo cho trẻ dị tật môi-vòm miệng tại Bệnh viện E, Hà Nội. 

Gần 100 trẻ em tới khám, đăng ký phẫu thuật miễn phí.
Gần 100 trẻ em tới khám, đăng ký phẫu thuật miễn phí.

Ngày 30/5, Bệnh viện E, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các trẻ em dị tật khe hở môi, vòm miệng tại khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E. 

Nhiều gia đình khó khăn chờ cơ hội mổ miễn phí

Bé L.T.H. (3 tuổi, ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng toàn bộ 2 bên kèm viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng kéo dài.

Biết con mắc phải dị tật khe hở môi vòm miệng toàn bộ 2 bên (là một thể phức tạp và nặng nhất trong dị tật khe hở môi vòm miệng), nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên bố mẹ bé H. không thể đưa cháu đi phẫu thuật. 

Nhận thấy tình trạng của bé rất phức tạp, các bác sĩ của Bệnh viện E, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội trong các lĩnh vực răng hàm mặt, gây mê hồi sức, tim mạch đã nhanh chóng hội chẩn và đưa ra quyết định điều trị, phẫu thuật cho bé.

Trường hợp khác, bé T.M.T (2 tuổi, xã Vũ Quang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được phát hiện mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng từ lúc mới sinh ra nhưng điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn nên chưa thể đưa con điều trị.

Nhờ việc khảo sát của cán bộ địa phương, bé đã được giới thiệu đến chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng tại Bệnh viện E để khám và phẫu thuật.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trẻ em mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng có hoàn cảnh khó khăn được các bác sĩ ở Bệnh viện E khám sàng lọc và phẫu thuật trong 5 ngày từ 30/5-4/6.

Vì tương lai nụ cười trẻ thơ -0
 Khám sàng lọc cho các bé.

TS Nguyễn Tấn Văn, Trưởng Bộ môn Bệnh lý miệng và hàm mặt, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối tượng được lựa chọn phẫu thuật gồm các trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi từ 5 tháng tuổi; Các trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở hàm ếch chưa được phẫu thuật từ 15 tháng tuổi; Các trẻ bị di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi). Đặc biệt, có cả trẻ mắc dị tật dính ngón, thừa ngón tay chân. 

Theo thống kê tại Việt Nam, ước tính cứ 700 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị khe hở môi, vòm miệng và dị tật hàm mặt. Những khiếm khuyết về thể chất không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Tỷ lệ trẻ mới sinh ra mắc dị tật này chưa được phẫu thuật tồn đọng mỗi năm ở Việt Nam đã lên đến 10.000 trẻ em.

"Đã có 80 trẻ đến từ tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước đến đăng ký khám sàng lọc để lựa chọn 60 trẻ đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật miễn phí thông qua chương trình này", bác sĩ Văn cho hay. 

TS Nguyễn Tấn Văn cho biết, dị tật khe hở môi, vòm miệng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của mặt, gây ra những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm của trẻ, đồng thời tác động nặng nề đến tâm lý của bệnh nhi và gia đình.

Với trẻ bị khe hở môi ngoài ảnh hưởng về thẩm mỹ, còn tùy thuộc vào mức độ có thể gây các rối loạn về chức năng: Bú, phát âm các âm môi (m, p, b). Trường hợp tổn khuyết đến xương ổ răng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, răng mọc sai vị trí hoặc không mọc được.

Trẻ bị khe hở vòm miệng thường gặp khó khăn trong ăn uống (thức ăn lên mũi, sặc, dễ trớ) và phát âm sai (nói ngọng, giọng mũi hở).

Ngoài ra, trẻ còn thường bị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidan… lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, và có tác động xấu lên thính giác của trẻ. Những trẻ nghe kém do viêm tai giữa mạn tính kéo dài cũng gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.

Chăm sóc trẻ bị dị tật khe hở môi-vòm miệng

Bác sĩ Văn cho hay, khe hở môi vòm miệng là dị tật có thể được điều trị hoàn toàn nếu trẻ được chăm sóc điều trị đúng cách và kiên trì.

Chăm sóc trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng nên được chia thành các giai đoạn như: Trẻ phát triển 6 tháng sẽ bắt đầu phẫu thuật khe hở môi; Trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi, nặng từ 10kg trở lên sẽ phẫu thuật khe hở vòm miệng phía trong.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ tiếp tục giúp các bé các tiết học luyện phát âm để đứa trẻ có thể nói trong trẻo như mọi bé khác cho đến khi vào lớp 1.

Từ 12 tuổi, khi các cháu thay hết răng sữa, các bác sĩ phải trợ giúp các cháu nắn chỉnh răng. Giai đoạn này cần rất nhiều thời gian và việc nắn chỉnh răng nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ, giúp trẻ tự tin bước vào cuộc sống của mình.

"Do đó, trẻ cần được điều trị sớm bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình khe hở môi, vòm miệng. Việc phẫu thuật thành công sẽ giúp các bé thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, mang lại sự tự tin, hàn gắn những tổn thương về thể chất và tinh thần cho các bé", bác sĩ Văn nói. 

TS, BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Việc phẫu thuật trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng là công việc phức tạp, khó khăn cả về khâu tổ chức, kinh phí (khi phần lớn các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở các địa bàn xa với các trung tâm y lớn có đủ điều kiện phẫu thuật), đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao của kíp mổ, điều kiện phương tiện và trang thiết bị của cơ sở phẫu thuật phải đủ tiêu chuẩn để an toàn cho trẻ.

"Với sự phối hợp của các bác sĩ, chuyên gia Bệnh viện E với Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội và tổ chức Operation Smile sẽ bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho các trẻ em không may mắc các dị tật về hàm mặt có cơ hội được phẫu thuật, trả lại nụ cười, đem đến một tương lai rộng mở, hòa nhập cộng đồng cho các em", bác sĩ Hựu nhấn mạnh. 

Trẻ tham gia phẫu thuật trong chương trình được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật khe hở môi vòm miệng, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí ăn ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E, như được miễn phí ở nhà lưu trú của Bệnh viện E; các suất cơm, cháo, sữa từ các nhà hảo tâm hỗ trợ…

Đặc biệt, không chỉ mang lại nụ cười lành lặn hơn cho trẻ, chương trình còn giúp trẻ luyện âm, chỉnh sửa giọng nói, phẫu thuật chữa ngọng, nắn chỉnh răng để trẻ tự tin hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Đây là chương trình hợp tác đầu tiên giữa Bệnh viện E, Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Operation Smile nhằm mang đến “điều kỳ diệu” cho những nụ cười “khuyết” của trẻ em không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng, nhân Tết Thiếu nhi 1/6.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Đức, đại diện cho Tổ chức Operation Smile Việt Nam, một trong những mục tiêu mà Tổ chức hướng tới là tạo điều kiện phát triển bền vững cho các chương trình, đó là cơ hội tốt để cho các bác sĩ trẻ răng hàm mặt, phẫu thuật tạo hình học tập và nâng cao chuyên môn và tay nghề cho các bác sĩ Việt Nam, bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết và hiện đại cho các bệnh viện tham gia chương trình…

Tính đến nay, đã có gần 100 y, bác sĩ Việt Nam được huấn luyện nâng cao tay nghề tại Hoa Kỳ và các nước khác. Hơn 98% các ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ thầy thuốc Việt Nam.