Phẫu thuật não "thức tỉnh" chữa bệnh động kinh

NDO - Phẫu thuật não thức tỉnh để loại bỏ căn bệnh động kinh cho người bệnh là phương pháp mới vừa được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chinh phục thành công. 
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cho người bệnh.
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cho người bệnh.

Bệnh nhân T.T (TP Hồ Chí Minh) mắc chứng bệnh động kinh từ năm 5 tuổi. Trung bình mỗi tháng, bệnh nhân lại có 1-4 cơn động kinh lớn với những dấu hiệu như buồn nôn, sợ hãi, mất ý thức và sau đó chuyển sang co giật, co cứng toàn cơ thể.

Ngoài ra, bệnh nhân còn phải thường xuyên chịu đựng nhiều cơn động kinh nhỏ thoáng qua trong ngày. Sau mỗi lần phát cơn động kinh, bệnh nhân không nói được và có khi phải mất 30 phút, thậm chí vài giờ mới trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt, cơn động kinh thường xuất hiện nhiều nhất khi T.T đến kỳ kinh nguyệt.

Căn bệnh dai dẳng khiến cô bé tự ti, thường xuyên phải có gia đình giám sát. Có những thời điểm bệnh nhi kháng thuốc, cơn động kinh liên tục đến 20 cơn khiến cả nhà rất xót xa.

Sau thời gian dài tìm hiểu, gia đình đã quyết định đưa T.T đến thăm khám tại Vinmec Central Park, hy vọng sẽ có phương thức điều trị dứt điểm.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Phước Yên (chuyên khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Vinmec Central Park) cho biết, với trường hợp bệnh nhân động kinh lâu năm có tình trạng kháng thuốc như T.T, phẫu thuật cắt thương tổn gây động kinh là cách điều trị tối ưu nhất để giúp bệnh nhân không còn lên cơn hoặc giảm tần suất động kinh.

"Thách thức đặt ra là ca phẫu thuật phải được thực hiện vô cùng chính xác để có thể lấy được tối đa thương tổn gây động kinh mà không ảnh hưởng tới vùng vỏ não phụ trách chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân", bác sĩ Phước Yên nói.

Nhằm giúp bệnh nhân bảo toàn được vùng vỏ não phụ trách chức năng ngôn ngữ, các chuyên gia tại Vinmec đã quyết định áp dụng kỹ thuật mới - thực hiện phẫu thuật sọ não trong khi người bệnh vẫn ở trạng thái tỉnh táo và có thể giao tiếp với bác sĩ. Đây là kỹ thuật chính xác nhất hiện nay trong y khoa để xác định vùng ngôn ngữ ở vỏ não.

Vinmec đã mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này từ Đại học Montreal, Canada cùng tham vấn, hỗ trợ chuyên môn cả trước và trong suốt quá trình mổ kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ.

Phẫu thuật não "thức tỉnh" chữa bệnh động kinh ảnh 1

Bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, không còn nói lắp và bị động kinh như trước.

Giai đoạn đầu của cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê bằng thuốc truyền tĩnh mạch kết hợp gây tê vùng để bệnh nhân không cảm thấy đau, sau đó tiến hành khoan một phần hộp sọ để tiếp cận vùng não bệnh nhân.

Sau khi mở hộp sọ, thuốc mê sẽ được ngưng truyền để bệnh nhân tỉnh lại. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ vừa trò chuyện vừa dùng điện cực kích thích các vùng của vỏ não. Nếu kích thích vùng nào khiến bệnh nhân ngưng nói chuyện thì đó là vùng vỏ não phụ trách ngôn ngữ, bác sĩ sẽ đánh dấu để không tác động vào vùng đó khi thực hiện loại bỏ ổ động kinh. Quá trình thực hiện kéo dài khoảng 30-45 phút.

Cuối cùng, khi đã xác định xong vùng ngôn ngữ, bệnh nhân sẽ được tiếp tục gây mê để các bác sĩ tiến hành lấy bỏ ổ động kinh và đóng hộp sọ.

"Một trong những khó khăn nhất của ca phẫu thuật là tâm lý của bệnh nhân. Tuy không có cảm giác đau, nhưng cảm giác bộ não đang có người chạm vào có thể khiến người bệnh lo sợ và mất bình tĩnh, gây khó khăn cho công tác phẫu thuật", bác sĩ Phước Yên chia sẻ.

Động kinh là bệnh phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc động kinh tại Hà Nội và Hồ Chí Minh là 5,49%, bệnh nhân nam nhiều hơn bệnh nhân nữ, động kinh toàn thể chiếm 69,2%, động kinh cục bộ chiếm tỷ lệ 18,9%, động kinh không phân loại chiếm 11,9%. Khoảng trống điều trị động kinh là 17,7%. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị chiếm 82,3%, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị chiếm 12%, tỷ lệ bệnh nhân chưa điều trị là 5,7%.

Để chuẩn bị cho bệnh nhân, bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Hoài Nam (Trưởng Đơn nguyên Giảm đau-Khoa Gây mê phẫu thuật) đã dành thời gian gặp gỡ, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, tạo tiền đề cho sự hợp tác của bệnh nhân khi mổ. Trạng thái cảm xúc của bệnh nhân luôn được ưu tiên hàng đầu để bệnh nhân có thể yên tâm, thoải mái và hợp tác tốt với ekip phẫu thuật.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tâm sự: “Ban đầu em có hơi sợ nhưng các bác sĩ giúp em bình tĩnh, em không còn thấy sợ, chỉ thấy xúc động thôi. Các bác sĩ đã chữa lành cho em, đúng với ước mơ từ nhỏ của em là được khỏe mạnh như bao bạn khác”.

Như vậy, sau 13 năm chịu đựng căn bệnh động kinh quái ác, nữ bệnh nhân 18 tuổi có ổ động kinh liên quan đến vùng ngôn ngữ không thể phẫu thuật đã được điều trị thành công bằng phương pháp mới. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không những không gặp bất kỳ di chứng nào mà còn năng động, diễn đạt trôi chảy hơn trước.

Mẹ bệnh nhân cho biết bản thân khá bất ngờ vì ngày trước bệnh nhân bị nói lắp, có khó khăn khi muốn diễn đạt điều gì đó nhưng giờ thì T.T có thể sử dụng từ ngữ gãy gọn, mạch lạc hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Trí, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Vinmec Central Park, trước khi có cuộc phẫu thuật của bệnh nhân T.T, tại Việt Nam chưa từng có phương pháp điều trị cho các trường hợp tương tự. Tất cả bệnh nhân có ổ động kinh liên quan đến vùng ngôn ngữ đều không thể phẫu thuật được và phải chịu cảnh sống chung với căn bệnh quái ác suốt đời.