Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên phẫu thuật nội soi điều trị động kinh cơn cười

NDO -

NDĐT - Sau lần phẫu thuật nội soi vào ngày 25-4, bệnh nhi Nguyễn Đình P (8 tuổi) đã ổn định sức khỏe và đã không còn rơi vào trạng thái cười bất chợt, mất ý thức đến cả phút vì bị động kinh thể cười.

Bác sĩ Trần Đình Văn đang khám lại cho bé Nguyễn Đình P. ngày 8-5.
Bác sĩ Trần Đình Văn đang khám lại cho bé Nguyễn Đình P. ngày 8-5.

Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) vừa tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên bằng nội soi cho bệnh nhân Nguyễn Đình P. Cháu P. mắc thể bệnh Harmatoma (u mô mỡ thừa vùng dưới đồi) hay còn gọi tên khác là động kinh cơn cười dưới Harmatoma.

Cháu Nguyễn Đình P. được gia đình phát hiện những cơn động kinh lạ từ khi mới bốn tháng tuổi. Khởi đầu là bé đột nhiên cười từ 5-10 giây với khoảng 30 cơn/tuần. Khi lớn, bé P. xuất hiện nhiều cơn cười hơn và sau cơn cười, bé bị mất ý thức kéo dài khoảng 5 phút.

Bác sĩ Trần Đình Văn (Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, khai thác tiền sử gia đình không ai bị động kinh và gia đình cũng không tiến hành điều trị cho cháu tới năm hai tuổi. Khi lớn, trung bình mỗi ngày P có thể có tới 5, thậm chí 10 cơn cười/ngày và mỗi cơn kéo dài từ 30 giây đến một phút. Ở độ tuổi đi học, những cơn động kinh thể cười không chỉ tác động tới trí não, sự phát triển trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới những quan hệ xã hội.

Từ hai tuổi, P được điều trị bằng thuốc về động kinh như Topamax, Deparkine nhưng không đáp ứng. P đã được điều trị ở nhiều nơi, cả bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương nhưng hầu hết là dùng thuốc động kinh hỗ trợ. Trong khi đó, theo y văn thế giới, thể bệnh này không đáp ứng với thuốc.

Từ hơn một năm trước, bé P. được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức. Sau khi thăm khám cho cháu P., bác sĩ Văn cho biết, rất may P. chỉ có biểu hiện bất thường là động kinh cơn cười, chưa phát hiện rối loạn hành vi, dậy thì sớm. Vì thế, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn để quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi cho cháu P.

Lần đầu tiên dưới sự chủ trì của GS, TS Đông Văn Hệ, nhóm điều trị động kinh gồm: GS, TS Đồng Văn Hệ; ThS,BS Trần Đình Văn (phẫu thuật viên); TS, BS Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng Khoa Nội thần kinh); ThS, BS Nguyễn Phương Thảo (bác sĩ nội thần kinh), cùng với sự chuyển giao kỹ thuật mổ của GS, TS Olivier Delalande (Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật động kinh Nhi của Pháp), nhóm chuyên gia đã tiến hành phẫu thuật nội soi thành công cắt u mô mỡ thừa vùng dưới đồi (Harmatoma hypothalamus) của cháu P.

Theo GS, TS Đồng Văn Hệ (Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức), với sự hỗ trợ của một chuyên gia đầu ngành của Pháp, các bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh đã tiến hành phẫu thuật nội soi cho bé P. Các bác sĩ khoan lỗ nhỏ, đưa ống nội soi vào vùng tổn thương để cắt rời một phần mô thừa. “Chúng tôi không điều trị cắt hẳn khối đó ra mà chỉ cắt rời một phần cuống dính vào não, tránh gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Chúng tôi xác định có thể mổ nhiều lần, và có thể chưa hiệu quả ở ngay lần mổ đầu tiên nhưng cắt ít một, sẽ ít làm ảnh hưởng tới chức năng của các cháu sau này. Phần cắt rời ra chúng tôi mang đi làm sinh tiết” - bác sĩ Đồng Văn Hệ cho hay.

P đã được phẫu thuật nội soi cắt u mô mỡ thừa vùng dưới đồi vào ngày 25-4 và sau một lần phẫu thuật đầu tiên, bé đã không còn mắc những cơn động kinh thể cười. Sáng 8-5, P được gia đình đưa đi tái khám. Bác sĩ Hệ đánh giá, ca phẫu thuật nội soi đầu tiên này rất thành công, tỷ lệ dính lại gây ra là ít. Hiện nay cháu sức khỏe ổn định, nói năng bình thường và không còn bị mắc các cơn cười.

Trung tâm Phẫu thuật thần kinh đã tiến hành hơn 1.000 ca phẫu thuật nội soi sọ não. Nhưng đây là ca bệnh đầu tiên động kinh thể cười được phẫu thuật nội soi tại Trung tâm. Tại Pháp, có 80% các ca bệnh này được thực hiện thành công thông qua phương pháp phẫu thuật nội soi. Bác sĩ Hệ cho biết, tại Việt Nam, trước nay căn bệnh này sẽ gặp nhiều hơn ở Bệnh viện Nhi Trung ương và thường được điều trị thuốc để giảm dậy thì sớm.

Việc phát hiện các u mô mỡ thừa này rất khó vì chụp Xquang thường quy không phát hiện được. Có nhiều trường hợp, u mô mỡ rất nhỏ, chỉ khoảng 4-5mm khi dùng tới chụp cộng hưởng từ cũng khó phát hiện ra. Những u mô mỡ thừa thường được phát hiện ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ trai. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến bản thân cấu trúc não bên trong, chèn nội tiết, tuyến yên, làm ảnh hưởng rối loạn hành vi, phát triển trí tuệ và sự dậy thì của cháu. Nặng hơn, nó có thể gây ra chậm phát triển tinh thần, trí tuệ sau này.

Trên thế giới, khoảng 1.000 trẻ bị động kinh có một cháu có thể động kinh cơn cười. Việt Nam hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Hiện nay, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh đang khám và điều trị cho bốn cháu cùng mắc bệnh lý này, bé nhất là bệnh nhi mới 9 tháng tuổi. Trung tâm cũng có hai trường hợp là bệnh nhân nữ đang được điều trị. Trong đó, bé Đỗ Thị Hồng A (10 tuổi) bị mắc động kinh có rối loạn hành vi và đã dậy thì. Với trường hợp nặng khi cả hai bên cùng bị dính u mô mỡ thừa, hiện trạng không như người bình thường, các bác sĩ của Trung tâm cũng đang cố gắng tích cực điều trị cho cháu A.