Phát triển văn hóa đọc với giới trẻ trong kỷ nguyên số

NDO -

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”, nhằm đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên.

Hội thảo "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số".
Hội thảo "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số".

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi để xác định các giải pháp góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, thanh thiếu niên nói riêng trong kỷ nguyên số. 

Tham luận của các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của thanh thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Từ đó xác định hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, đồng thời trao đổi về định hướng, giải pháp đối với phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số nhìn từ góc độ thể chế, những sáng kiến, bài học kinh nghiệm, mô hình khuyến học hiệu quả trong tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó là cơ chế và giải pháp phối hợp, hợp tác giữa thư viện với cơ quan đơn vị tổ chức liên quan trong tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, nhận diện tác động của khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông đối với phát triển văn hóa đọc, phát triển kỹ năng đọc cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số…

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Ngọc, một trong những giải pháp phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số là phải chú trọng tạo môi trường đọc hứng thú cho thanh thiếu niên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng quan tâm phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử, tủ sách Bác Hồ, thúc đẩy mô hình Mỗi tuần đọc một cuốn sách, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện… từ đó khơi dậy tinh thần hiếu học, hình thành thói quen xem sách là người bạn thân thiết không thể thiếu của mỗi bạn trẻ.

Trong môi trường hoạt động đặc thù và đối tượng đặc biệt như thanh niên các lực lượng vũ trang hoặc với thanh thiếu niên khiếm thị, phát triển văn hóa đọc cần phù hợp và mang những đặc điểm riêng.

Thượng tá Nguyễn Thị Cúc - Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội cho biết: Sự phát triển của công nghệ thông tin đã đổi mới mạnh mẽ công nghệ xuất bản sách đồng thời cũng tạo nên một xu thế tất yếu chuyển đổi từ đọc sách in sang đọc online, sách điện tử là hình thức mới phổ biến của sách trong tương lai. Vì vậy, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa đọc đối với sự hình thành phát triển nhân cách và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của tuổi trẻ quân đội, coi trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho thanh niên quân đội với hệ thống chuẩn mực về văn hóa đọc, đó là những chuẩn mực, quy tắc, chế độ bắt buộc mang tính mệnh lệnh phải thực hiện như quy định số lần đến thư viện đọc sách, quy chế viết báo, quy chế khuyến khích tham gia viết bài đấu tranh trên không gian mạng… tập trung xây dựng môi trường văn hóa đọc trong thanh niên quân đội.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh chia sẻ những khó khăn trong tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên khiếm thị trong kỷ nguyên số và kêu gọi huy động nguồn lực trang bị máy móc, thiết bị công nghệ sử dụng sách báo chữ Braille điện tử, lựa chọn nội dung, thể loại và chuyển đổi sách báo, tài liệu sang định dạng dễ tiếp cận; luân chuyển đến hội viên, thanh thiếu niên khiếm thị; tạo điều kiện để thanh thiếu niên khiếm thị và người khiếm thị nói chung tiếp cận sử dụng phòng máy tính trong nhà trường và các điểm văn hóa công cộng…

Sau hội thảo này, Vụ Thư viện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tập hợp, tiếp thu các tham luận, ý kiến đóng góp để triển khai xây dựng phương hướng quản lý nhà nước mới trong lĩnh vực thư viện, phù hợp thực tiễn nhằm thúc đẩy tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.