Phát triển TOD, giải pháp giúp thành phố tăng trưởng hai con số

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện các giải pháp mở rộng không gian phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Theo các chuyên gia kinh tế, đây là bước đi đột phá để thành phố đạt mức tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tham mưu và mời các đơn vị tư vấn uy tín quốc tế xây dựng quy hoạch không gian ngầm, gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD. Hiện nay, việc triển khai mô hình TOD tập trung ở hai nhánh. Nhánh số 1, thành phố tập trung xây dựng TOD tại các vị trí chung quanh các tuyến Metro, đường vành đai do các sở, ban, ngành của thành phố xác lập; nhánh số 2, thành phố giao một doanh nghiệp đề xuất làm TOD đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến Quốc lộ 13.

Vừa làm vừa học

Ở nhánh số 1, các vị trí dự kiến xây dựng mô hình phát triển đô thị TOD sẽ được triển khai dọc các tuyến: Metro số 1, Metro số 2 và tuyến vành đai 3. Các vị trí này có nhiều thuận lợi trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng; mang lại hiệu quả cao (giá trị khi đấu giá đất, đấu thầu dự án đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách). Theo kế hoạch, thành phố sẽ áp dụng ba mô hình TOD, gồm: TOD tại vùng lõi nhà ga, TOD tại vùng chuyển tiếp nhà ga và TOD tại vùng phụ cận các nút giao thông đường vành đai 3.

Mô hình TOD tại vùng lõi nhà ga sẽ được triển khai trong bán kính từ 400-500m. Mô hình này hướng tới phát triển đô thị mật độ cao tối ưu; đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại-dịch vụ kết hợp ở; người dân chủ yếu sẽ đi bộ và sử dụng hệ thống giao thông đường sắt đô thị.

Mô hình TOD tại vùng chuyển tiếp nhà ga sẽ được xây dựng trong bán kính 800-1.000m. Đây là khuôn mẫu đô thị mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội; người dân trong khu vực chủ yếu đi bộ và xe đạp và kết nối với nhà ga bằng xe buýt, xe đạp, xe điện… Hệ thống giao thông của mô hình này chủ yếu vẫn là đường sắt đô thị.

Với mô hình TOD tại vùng phụ cận các nút giao thông của đường vành đai 3, thành phố sẽ kết nối giao thông thuận lợi theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, khu chức năng đô thị, các khu công nghiệp, logistics. Người dân trong khu vực chủ yếu sử dụng xe đạp, xe điện; việc di chuyển ra bên ngoài chủ yếu kết nối qua đường nhánh và giao thông công cộng…

Ở nhánh số 2, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) cho biết, UBND thành phố đã giao CII giao nghiên cứu, đề xuất ý tưởng thực hiện TOD tại khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư dự kiến 216.000 tỷ đồng; tổng diện tích đất nghiên cứu dự án khoảng 51,4 ha. Đây là khu vực sẽ có tuyến Metro số 3A và Metro số 5 cùng với một số tuyến giao thông công cộng khác. Mục tiêu chính và định hướng phát triển dự án là chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng, nâng cấp hạ tầng và cải thiện chất lượng sống người dân. TOD Hàng Xanh sẽ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối tại các khu vực trọng điểm như Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt sĩ, cầu Bình Triệu.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, TOD không chỉ là cơ hội phát triển giao thông mà còn giúp tái cấu trúc đô thị, nhất là đô thị phức tạp. Điểm thuận lợi là, từ nay đến 2035, thành phố triển khai, hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km. Khi triển khai các tuyến metro này, thành phố sẽ kết hợp xây dựng mô hình TOD. Dự kiến, nguồn vốn thành phố có thể huy động được từ TOD khoảng 7,8 tỷ USD. Nguồn tài chính lớn này sẽ giảm bớt gánh nặng nguồn vốn ngân sách cho thành phố.

Đề xuất giải pháp đồng bộ

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, mô hình TOD là chiến lược phù hợp để phát triển đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, giúp thành phố định hình lại không gian đô thị và khai thác hiệu quả các nguồn lực. Bên cạnh đó, khi xây dựng TOD, người dân có thể di chuyển hằng ngày bằng giao thông công cộng thay vì dùng phương tiện cá nhân, giúp giảm tình trạng kẹt xe như hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng TOD phải trải qua nhiều giai đoạn từ lập dự án, thu hồi đất, đến đấu giá gây quỹ. Tiếp theo, thành phố còn phải phát triển hệ thống giao thông kết nối, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực, để thu hút người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cơ chế để thành phố thực hiện mô hình TOD. Tuy nhiên, muốn triển khai hiệu quả thì nhiều quy định pháp luật khác phải được điều chỉnh tương ứng. Thành phố cần sự hỗ trợ từ Trung ương trong sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hiệu quả từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá đất đến xác định ranh giới vùng ảnh hưởng của TOD, kêu gọi nhà đầu tư; tránh việc phải đi xin cơ chế cho từng dự án.

Về cách triển khai, ông Sơn đề xuất, thành phố có thể hình thành tập đoàn TOD trên nền tảng một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực để chung sức về tài chính, nghiên cứu, quản lý nhằm bảo đảm vận hành hệ thống hiệu quả. Song song với công tác đầu tư, thành phố cần chuẩn bị nhân sự để bảo đảm công tác vận hành, bảo trì, hợp tác đào tạo ngay từ bây giờ.

Theo giảng viên Phan Chánh Dưỡng (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), để triển khai TOD, thành phố phải giải quyết được vấn đề đất đai. Ngoài đất công, nguồn đất còn đến từ người dân, vì thế, phải ưu tiên vấn đề giải tỏa, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thành phố phải có chính sách để người bàn giao đất được ưu tiên hưởng lợi. Đơn cử, người sở hữu đất trong diện thu hồi, ngoài việc được nhận tiền đền bù hoặc đất tái định cư, họ có thể mua căn hộ (với diện tích tương ứng diện tích đất bị thu hồi) trong dự án xây dựng tại khu vực đất bị thu hồi hoặc lân cận với giá ưu đãi.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, mô hình TOD sẽ giúp thành phố phát triển đồng đều và mở rộng không gian đô thị ra các khu vực chung quanh; góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô, cải thiện hệ thống giao thông công cộng; giúp giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm và ùn tắc. Phát triển TOD dọc các tuyến metro, vành đai 3 và trong đô thị sẽ là chiến lược đột phá cho thành phố.