Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo chín tỉnh ven biển miền trung, các hiệp hội nghề cá, ngân hàng thương mại, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…
Dự thảo Nghị định "Về một số chính sách phát triển thủy sản" của Chính phủ, bao gồm các quy định mới về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Nội dung cụ thể của Dự thảo Nghị định đề ra các chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản như: đầu tư ngân sách trung ương xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng, xây dựng các hạ tầng thiết yếu đối với các tuyến đảo, xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
Các chính sách tín dụng dành cho đóng mới, gia cố tàu có công suất máy chính 380 CV trở lên, bao gồm: tàu vỏ thép đóng mới khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới (bao gồm cả ngư lưới cụ), với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 3%/năm.
Trường hợp tàu đóng mới tàu vỏ thép công suất máy chính từ 800 CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% giá trị đóng mới, với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, nhà nước cấp bù lãi suất 4%/năm.
Với tàu gỗ gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay tối đa 85% tổng giá trị đóng mới, với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, nhà nước cấp bù lãi suất 3%/năm.
Chính sách này cũng được áp dụng đối với tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, mức vay tối đa đối với tàu vỏ thép là 95% tổng giá trị tàu, và 85% đối với tàu vỏ gỗ, lãi suất 5%/năm. Ngân sách nhà nước cấp bù lãi vay cho các ngân hàng thương mại từ 3%/năm (tàu gỗ) và 4%/năm (tàu vỏ thép).
Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó ân hạn một năm, được sử dụng chính con tàu đóng mới, nâng cấp, gia cố làm tài sản thế chấp với mức từ 70% đến 95% tổng giá trị tàu. Ngoài ra, các chủ tàu cũng được vay vốn lưu động cho việc đi biển với hạn mức tối đa 70% giá trị hàng hóa cung cấp dịch vụ hậu cần hoặc hàng hóa phục vụ khai thác thủy sản mỗi chuyến biển, với lãi suất 7%/năm.
Dự thảo cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, bảo hiểm thuyền viên; Chính sách ưu đãi thuế; Hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, chi phí vận chuyển hàng hóa xa bờ…
Dự kiến trong tháng 6 này, tàu vỏ sắt đầu tiên ở Đà Nẵng đang đóng tại Công ty Bảo Duy hạ thủy.
Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cao với nội dung Dự thảo Nghị định Về một số chính sách phát triển thủy sản mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, cần xác định cụ thể lộ trình thay thế 3.000 tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của từng vùng biển, vừa khai thác hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu vỏ thép phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến ngư dân, thiết kế các tàu mẫu, để từ đó đóng mới theo yêu cầu của ngư dân, được người dân giám sát vì họ chính là người chủ của con tàu.
Ông Lê Văn Lễ, chủ tàu cá ĐNa 90352 ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng, lo lắng: "Đóng mới tàu vỏ thép, có ba việc ngư dân chưa yên tâm, thứ nhất là vốn ban đầu quá lớn, nếu làm ăn không hiệu quả sẽ khó hoàn trả vốn cho nhà nước. Thứ hai là chi phí mỗi chuyến biển cũng lớn hơn tàu gỗ cùng công suất máy, nhất là chi phí nhiên liệu. Thứ ba là chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn nhiều, mà hiện tại chỉ một vài cơ sở lớn có thể thực hiện”.
Nhiều ý kiến của ngư dân, đại diện nghiệp đoàn nghề cá kiến nghị: Nhà nước cần chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, như khu neo đậu, luồng lạch, dịch vụ thu mua, chế biến, xuất khẩu, bảo đảm ổn định về thị trường, giá cả... để ngành thủy sản phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trương Tày, Nghiệp đoàn nghề cá huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẩn thiết đề nghị: "Quảng Ngãi có bốn cửa biển, thì chỉ cửa Sa Kỳ tàu cá lớn vào được, ba cửa còn lại bị bồi lấp, chỉ tàu nhỏ qua được. Hễ có mưa bão, tàu lớn phải chạy rất xa, vào Bình Định hoặc ra Quảng Nam, Đà Nẵng mới có chỗ trú an toàn. Vì thế, muốn đóng tàu to, trước hết cần nạo nét cửa sông, xây dựng nơi neo đậu".
Về chính sách ưu tiên nguồn vốn lớn, hỗ trợ lãi suất đóng tàu lớn phục vụ đánh bắt và dịch vụ hậu cần, các đại biểu đều thống nhất ý kiến, Nghị định ra đời sẽ là động lực mạnh mẽ để ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả; vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân miền trung.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến, Nghị định phải xác định đối tượng vay là những trường hợp làm ăn có hiệu quả, đồng thời có thể mở rộng đối tượng cho vay đối với những tàu xa bờ hiện đang hoạt động, nhưng khó khăn về vốn do trước đây vay ngân hàng thương mại hoặc vay trong dân với lãi suất cao.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải xác định rõ mục tiêu chính là bảo đảm cho ngư dân yên tâm ra khơi, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Chính phủ khuyến khích người dân đóng tàu công suất lớn, lắp đặt máy móc tiên tiến để hiện đại hóa đội tàu để đánh bắt xa bờ. Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị Dự thảo phải bổ sung điều khoản người vay (chủ tàu) được quyền quyết định chọn mẫu mã, trang thiết bị, nơi đóng mới tàu vỏ thép.
Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT nhanh chóng điều tra nguồn lợi thủy hải sản để hình thành quy hoạch, định hướng khai thác; Nghiên cứu thiết kế mẫu tàu thép phù hợp với ngư trường của từng vùng. Thời gian tới, cần triển khai thí điểm tại các địa phương. Trong quá trình xét chọn cho ngư dân vay vốn phải bảo đảm đúng kế hoạch, đúng đối tượng để chính sách được thực thi hiệu quả.
Những kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị được Ban tổ chức tiếp thu, sửa đổi và trình Chính phủ xem xét, ban hành và triển khai thực hiện trong tháng bảy tới.