Phát triển thủy điện ở Quảng Nam, mừng và lo

Ðầy triển vọng,  nhiều... lo âu

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư từ mọi miền đất nước đã lặn lội đến các huyện miền núi Quảng Nam để khảo sát và lập dự án xây dựng các nhà máy thủy điện. Theo số liệu từ Sở Công thương Quảng Nam, đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến 58 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất hơn 1.600 MW, điện lượng khoảng 6,530 tỷ kW giờ/năm. Riêng hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, đến nay, có 10 dự án được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt, với tổng công suất gần 1.100 MW, điện lượng 4,365 tỷ kW giờ/năm (chiếm 68,3% công suất thủy điện toàn tỉnh). Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hồng Vân cho biết, trong tổng số 58 dự án thủy điện đã được phê duyệt, hiện có bảy nhà máy phát điện, với công suất hơn 315 MW; tám dự án đang xây dựng, với công suất 470,6 MW; 18 dự án trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị khởi công và 17 dự án trong giai đoạn nghiên cứu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu khẳng định: Khi có các dự án thủy điện được triển khai, nhất là từ bảy nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết đáng kể tình trạng ngày càng thiếu hụt nguồn điện trên phạm vi cả nước, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương và sẽ có thêm nguồn thu từ quỹ chia sẻ lợi ích thủy điện để đầu tư cải thiện đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ở Quảng Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số và đất rừng bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Công tác tái định cư (TÐC) tại nhiều dự án chưa được tính toán kỹ, cho nên đã ảnh hưởng đời sống, tập quán của người dân. Quá trình triển khai các dự án đã làm thay đổi chế độ thủy văn của lưu vực các sông, gây ảnh hưởng trực tiếp hệ sinh thái, mực nước ở vùng hạ lưu. Khi lập dự án đầu tư thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều mục tiêu của công trình. Tuy nhiên  thực tế, các chủ đầu tư đều lấy hiệu quả phát điện là chính cho nên chỉ xả nước vận hành máy phát điện trong từng thời điểm và từng giai đoạn nhất định, chưa quan tâm đến nguồn nước vì lợi ích chung của cộng đồng, vì vậy vào mùa khô đã xảy ra tình trạng thiếu nước và nước mặn thâm nhập sâu đồng ruộng.

Tại kỳ họp HÐND tỉnh mới đây, các đại biểu nêu lên nhiều hạn chế trong quá trình xây dựng các nhà máy thủy điện, nhất là việc bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân tại các khu TÐC. Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh Võ Hồng cho biết: Công tác bố trí TÐC còn nhiều bất hợp lý, việc xây nhà ở để cấp cho dân còn bình quân theo hộ, chất lượng xây dựng nhà ở không bảo đảm; nguồn điện, nước sinh hoạt không ổn định. Các khu TÐC được thiết kế theo mô hình "đô thị hóa miền núi", không phù hợp đặc điểm của cư dân sản xuất nông, lâm nghiệp. Hầu hết, các điểm TÐC thiếu đất sản xuất, đất đai cằn cỗi, cách trở và quá xa nhà ở. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Thành Vân bức xúc: Người dân TÐC bị ảnh hưởng từ công trình thủy điện Sông Tranh không những thiếu đất sản xuất mà còn thiếu cả nghĩa trang để chôn cất người chết. Mặt khác, công tác hướng dẫn sản xuất cho đồng bào TÐC chưa được quan tâm đúng mức; việc chuyển đổi nghề cho dân gặp nhiều khó khăn và hầu như không thực hiện được; đời sống văn hóa bị xáo trộn, một số phong tục truyền thống có nguy cơ mai một; tình hình an ninh, trật tự xã hội diễn biến phức tạp. Do vậy, tính bền vững tại một số khu TÐC không cao, nhiều hộ dân bị thu hồi đất mấy năm rồi, vẫn chưa được bố trí đất để sản xuất, cho nên đành phải phát rừng làm rẫy, nhiều gia đình đã bỏ nhà đi tìm nơi ở mới. Thêm vào đó, các báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ mới dừng lại ở từng dự án riêng lẻ, chưa có chiến lược môi trường cho cả hệ thống thủy điện và sự an toàn của hồ chứa...

Ðâu là giải pháp?

Quảng Nam đã thấy được những vấn đề bất cập, nảy sinh trong phát triển thủy điện. Từ sau trận lũ lịch sử năm 2009, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành liên quan của tỉnh phối hợp các địa phương rà soát lại các dự án đã phê duyệt, qua đó đã thu hồi năm dự án ảnh hưởng không tốt đến môi trường và có 10 dự án đang đưa vào diện xem xét, vì còn nhiều vướng mắc. Chủ trương sắp tới của tỉnh Quảng Nam là tiếp tục phát triển thủy điện nhưng phải theo hướng bền vững. Theo đó, đối với những dự án đã được phê duyệt, nhưng nếu ảnh hưởng xấu đời sống nhân dân, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và phá vỡ môi trường sinh thái thì kiên quyết cắt giảm. Ðiều khó khăn nhất mà tỉnh đang tập trung giải quyết đó là công tác TÐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở và khôi phục lại diện tích rừng bị mất do làm thủy điện. Sắp tới, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan tiến hành rà soát, quy hoạch đất để trồng lại rừng tương ứng với diện tích đã bị mất do làm thủy điện. Ðối với người dân thiếu đất sản xuất tại thủy điện Sông Tranh, tỉnh đang đề nghị chủ đầu tư mua lại đất sản xuất của các hộ có diện tích lớn để bố trí cho các hộ thiếu đất sản xuất.

Ðể ổn định cuộc sống người dân vùng dự án, trong quá trình phát triển thủy điện, các địa phương và các chủ đầu tư cần hết sức chú trọng công tác TÐC. Các phương án TÐC phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phù hợp phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân; gắn trách nhiệm lâu dài của các chủ đầu tư với đời sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án. Công tác TÐC, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng phải được thực hiện hoàn chỉnh mới tiến hành khởi công công trình thủy điện. Các địa phương và chủ đầu tư cần sớm xây dựng phương án ổn định và phát triển sản xuất; có trách nhiệm hướng dẫn, ưu tiên hỗ trợ về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong các khu TÐC, cả về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ giống cây, con, kinh phí khuyến nông, khuyến lâm cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho biết, phát triển thủy điện là một chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Do vậy, trong kỳ họp HÐND tỉnh mới đây, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận và đã ra Nghị quyết "Về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam". Theo đó, thống nhất giữ lại 33 dự án thủy điện vừa và nhỏ (với tổng công suất gần 425 MW) trong tổng số 48 dự án của tỉnh đã phê duyệt. Theo đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện bảo đảm theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả và phải gắn liền với công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội. Khi cấp phép triển khai thực hiện từng dự án cụ thể, UBND tỉnh phải thành lập Hội đồng xét duyệt, đánh giá khách quan hiệu quả kinh tế - xã hội; thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, nhất là vấn đề an toàn các hồ đập; đồng thời tăng cường kiểm soát về năng lực, tiến độ thực hiện dự án.

Mặt khác, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết nhanh cơ chế đầu tư để triển khai xây dựng các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp 110 kV dùng chung cho các nhà máy thủy điện nhằm vừa nhanh chóng phát huy hiệu quả các nhà máy thủy điện đã xây dựng vừa giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến diện tích đất của các dự án. Quan tâm xây dựng phương án khôi phục diện tích rừng đã bị mất do thực hiện dự án thủy điện phù hợp điều kiện của từng địa phương, bảo đảm hiệu quả trồng rừng. Các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý dứt điểm các vụ việc, chấm dứt tình trạng lợi dụng làm thủy điện để phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Ðiều cần lưu ý là, trong quá trình phát triển hệ thống thủy điện ở Quảng Nam, Bộ Công thương và các ngành có liên quan ở Trung ương cần tổ chức đánh giá tổng thể tác động môi trường đối với 10 dự án thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chủ đầu tư sớm khắc phục những bất cập, tồn tại phát sinh; xem xét giãn tiến độ đối với sáu dự án còn lại và sớm ban hành quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa nhằm vừa phát triển nguồn điện cho quốc gia, vừa bảo đảm điều tiết nguồn nước và tham gia cắt lũ cho vùng hạ lưu.

TẤN NGUYÊN