Phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông thôn kiểu mẫu

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cách đây khoảng sáu năm, là một trong sáu chuyên đề trọng tâm phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đến nay, chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ-Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ-Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Thành lập năm 2018, đến nay, Hợp tác xã Sản xuất Thương mại Dịch vụ rau sạch GAP (Hợp tác xã rau sạch GAP), huyện Hóc Môn có 13 thành viên chuyên trồng và cung ứng rau an toàn, rau sạch trên diện tích 2 ha. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trong các cửa hàng thực phẩm, bếp ăn công nghiệp, trường học...

Ngoài ra, hợp tác xã cũng chủ động xây dựng cửa hàng thực phẩm để quảng bá sản phẩm. Xác định liên kết chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP là hướng đi tất yếu, hợp tác xã luôn ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Với nỗ lực này, năm 2023, sản phẩm của hợp tác xã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo đại diện Hợp tác xã rau sạch GAP, để có được thành quả này, ngay từ khi mới thành lập, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành viên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ... nhằm sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chương trình OCOP đã tạo tín hiệu tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Cũng theo đơn vị này, để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, các cơ quan liên quan cần thúc đẩy thêm chính sách liên kết với nhà khoa học để có giải pháp biến phụ phẩm nông nghiệp dư thừa thành sản phẩm vi sinh hoặc tạo ra sản phẩm mỹ nghệ sau thu hoạch.

Các đơn vị liên quan cần tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi không hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương, ngay từ đầu, thành phố đã có những chủ trương, những hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019-2020. Trong đó, có hai nội dung đáng chú ý: Thứ nhất, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình OCOP trên phạm vi toàn thành phố (giai đoạn 2019-2020, chương trình OCOP chỉ được triển khai điểm trên địa bàn năm huyện xây dựng nông thôn mới là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã mở rộng phạm vi thực hiện chương trình ra tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức). Thứ hai, mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Giai đoạn 2019-2020, tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, thì giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với sáu lĩnh vực: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Từ khi triển khai chương trình OCOP theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đã có những chuyển biến rõ rệt. Đáng chú ý, chương trình OCOP thu hút nhiều chủ thể như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, thành phố có hơn 190 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể. Trong đó, có 79 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; hơn 110 sản phẩm đạt 3 sao; có một sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao. Theo ông Hiệp, nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào chương trình OCOP, thành phố đã có những hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Cụ thể, tổ chức lễ công bố công nhận sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần, tuần lễ sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh... Cùng với đó, đưa sản phẩm OCOP của thành phố tham gia triển lãm sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chương trình OCOP là một trong sáu chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành 100% số xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 100% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Vì vậy, các đơn vị liên quan cần quan tâm phát triển chương trình OCOP bền vững. Trong đó, cần hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Đó là tổ chức các chương trình kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn; giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện quảng bá du lịch của thành phố. Song song đó, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, bán hàng, kết nối sản phẩm OCOP đến với thị trường trong nước và nước ngoài.