Phát triển nông nghiệp: Thu hút “đại bàng” nhưng đừng quên “chim sẻ”

NDO -

Ngày 29-1, trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần có chiến lược tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đây cũng là một điều kiện để kéo các “đại bàng” vào đầu tư.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời phỏng vấn báo chí sáng 29-1. Ảnh: VIỆT ANH.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời phỏng vấn báo chí sáng 29-1. Ảnh: VIỆT ANH.

Phóng viên: Văn kiện trình Đại hội XIII định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn. Đồng chí nghĩ gì trước thực trạng hiện nay nhiều hộ nông dân trồng hai luống rau, một luống rau sạch để gia đình ăn còn một luống đem bán?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Thời gian qua, một bộ phận nông dân đã nhận thức phải phát triển nông nghiệp sạch, bởi nếu không sẽ rủi ro về mặt thị trường. Tuy nhiên, quán tính của người nông dân như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định vẫn tồn tại. Không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, thậm chí là mất đi uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam. Sức khỏe của cộng đồng, thậm chí là sức khỏe trực tiếp của người nông dân cũng bị ảnh hưởng.

Sắp tới, chúng tôi sẽ có chương trình chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học. Sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn nhưng cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp “thuận thiên” hay dựa trên tự nhiên. Thời gian đầu năng suất có thể giảm nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập. Chất lượng nông sản tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá bán cũng sẽ nâng lên.

Đó là sự đánh đổi ở giai đoạn ban đầu nhưng nếu chúng ta quyết tâm, cơ quan truyền thông kiên nhẫn, kiên trì với người nông dân để hóa giải được một thói quen, một tập quán lâu đời thì đúng như trong văn kiện trình Đại hội khẳng định, chúng ta sẽ chuyển đổi được nền nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái. Chỉ một ý “nông nghiệp sinh thái” nhưng sẽ tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ phải làm như thế nào? Bản thân nông nghiệp sinh thái đã bao gồm cả nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ...

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và rất hứng thú đầu tư vào lĩnh vực này?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đây đó, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu mà tạo ra cú huých để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo được thế để đưa nông sản ra nước ngoài cũng như chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con “đại bàng”, cũng sẽ có những con “chim sẻ”, chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ”. Đó là những hợp tác xã, những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng hợp lực các “chim sẻ” lại sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có chiến lược gì để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại thì sẽ trở về khởi nghiệp. Hiện nay chúng ta chỉ tính tới “đại bàng” nhưng “chim sẻ” - các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn. Các cơ quan truyền thông cũng hãy trân quý, tôn vinh và phát hiện các doanh nghiệp này. Có như vậy chúng ta mới có điều kiện thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làm nông nghiệp. Và như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải “ca cẩm” thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ có chính sách để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì khi các nhà đầu tư đến sẽ có hệ sinh thái xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết. Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để chúng ta kéo các “đại bàng” về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân.

Phóng viên: Để hướng tới mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam nên học hỏi mô hình của quốc gia nào để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Chúng ta cũng đã có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Thái Lan... Khi chúng ta học hỏi kinh nghiệm thì phải tìm ra được “từ khóa” vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia lại có lịch sử, nền văn hóa và xuất phát điểm khác nhau. Có một điểm chung là phải tạo thành chuỗi giá trị và phải thay đổi nhận thức, không chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao mà phải kích hoạt để tạo được đầu ra ổn định. Khi đầu ra được kích hoạt thông suốt thì đầu vào tự động điều chỉnh theo, co giãn theo thị trường và lúc đó chúng ta không chỉ xuất khẩu nông sản tươi ở tốp đầu thế giới mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm. Đó mới là hình ảnh nông nghiệp của chúng ta trong tương lai.

Câu chuyện liên kết giữa các vùng nguyên liệu, thông tin thị trường cần được cập nhật thường xuyên đến người sản xuất. Chúng ta thường nói nông dân làm theo đám đông, thấy người khác làm thì mình cũng làm. Nói vậy cũng hơi oan cho người nông dân vì họ không biết thị trường ở đâu, thấy ông chủ vườn kế bên trúng quả thì chạy theo, đốn cây này trồng cây kia. Như vậy còn có lỗ hổng trong thông tin thị trường, trong sự khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Phóng viên: Theo đồng chí, hình mẫu nông dân hiện đại có vai trò thế nào trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh. Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh? Đó là bằng những quyết sách, đề án để thay đổi nhận thức của người nông dân, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, hiểu biết cung – cầu, an toàn thực phẩm… Người nông dân phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải không biết làm gì thì đi làm nông. Chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề.

Phóng viên: Từng nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nơi có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, đồng chí có đề xuất gì để lan tỏa kinh nghiệm của Đồng Tháp trên phạm vi cả nước?

Đồng chí Lê Minh Hoan: Mô hình phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp đã lan tỏa ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Giá trị cốt lõi của mô hình này rất đơn giản, đó là kích hoạt sự thay đổi của người nông dân, tinh thần hợp tác trong cuộc sống tiến tới hợp tác trong sản xuất kinh doanh của nông dân. Mô hình này khiến người nông dân trở thành đúng nghĩa, là vai trò chủ thể trong tiến trình, cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng lại nông thôn mới.

Mô hình Đồng Tháp đặt đúng nông dân trong vị trí trung tâm, để họ thấy rằng mình phải thay đổi, không nên dựa dẫm, chờ đợi vào sự bảo bọc của Nhà nước. Nhiều tỉnh đề nghị học hỏi mô hình kinh nghiệm của Đồng Tháp, nhưng tôi nghĩ rằng với 63 tỉnh, thành phố, bảy vùng miền sinh thái khác nhau, chúng ta có thể tạo ra được các mô hình khác, các câu chuyện khác, không khiên cưỡng áp đặt một mô hình như giá trị chung.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!