Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội

Những năm gần đây, hoạt động của báo chí, truyền thông đã có nhiều thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi số và sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội. Cùng với sự phát triển đó, báo chí cũng đang có nhiều thời cơ lẫn thách thức để vừa tiếp tục phát triển, vừa hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.

Xu hướng tòa soạn hội tụ, phát triển song song hình thức xuất bản truyền thống (báo in, báo điện tử) và kết hợp với các nền tảng mạng xã hội đang trở thành xu hướng tất yếu của nhiều cơ quan báo chí, trong đó, dư địa cho báo chí phát triển trên các nền tảng mạng xã hội luôn rất rộng mở.

Không gian mở cho báo chí

Theo thống kê, với số dân khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội/năm. Ước tính, thời gian sử dụng mạng xã hội của mỗi người là khoảng 2 giờ 34 phút/ngày (chiếm 36,4% tổng thời gian trung bình sử dụng internet). Như vậy, trung bình mỗi tháng mỗi người Việt Nam dành 77 giờ để sử dụng mạng xã hội, tính theo năm, con số này trung bình hơn 936 giờ (tương đương 39 ngày).

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Dũng cho rằng, trong hệ sinh thái truyền thông mới, báo chí đang chuyển biến theo xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội (YouTube, TikTok, Facebook,...) để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin báo chí đến bạn đọc.

Đón đầu xu hướng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí dựa trên ba nền tảng gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí kịp thời nắm bắt thông tin; nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, nhiều cơ quan báo chí đã quan tâm đầu tư phát triển ấn bản điện tử, xuất bản các tin tức, sản phẩm báo chí đăng phát trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau để tiếp cận bạn đọc nhanh hơn và đa dạng hơn. Có thể nói, xu thế phát triển báo chí đa nền tảng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí phải định vị lại nhằm phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái truyền thông mới. Thạc sĩ Đỗ Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cũng với cách thức tiếp cận và xuất bản thông tin mới này mà các thông tin chính thống về dịch Covid-19 đã tiếp cận được với nhiều người dân hơn, qua đó góp phần đẩy lùi nạn tin giả, tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trong tâm dịch vừa qua.

Nhiều thách thức đan xen

Tại hội thảo khoa học “Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội” do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông nêu vấn đề: Trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí “chạy đua” tin tức dựa trên các nền tảng mạng xã hội thì lao động của các nhà báo sẽ thay đổi như thế nào, những giá trị đã định khung của nhà báo có bị mất đi hay không? Tiếp theo là chất lượng tin tức liệu sẽ đối mặt với những nguy cơ gì khi truyền thông trên mạng xã hội luôn hối thúc các nhà báo phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất có thể.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, hiện nay không ít tòa soạn đang khích lệ phóng viên viết các bài báo ngắn hơn để xuất bản lên mạng xã hội, chạy đua với tốc độ cho nên các nhà báo phải thường xuyên chịu áp lực để bắt kịp tốc độ, đưa tin tức lên mạng xã hội một cách nhanh nhất. Từ đó, xuất hiện mối lo ngại lớn về nguy cơ giảm chất lượng của tin tức báo chí, thậm chí đó có thể là một hành động tự làm giảm giá trị của báo chí.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông cũng chỉ ra một thách thức khác của báo chí dựa trên các nền tảng mạng xã hội, đó chính là “giá trị của tin tức”. Với mạng xã hội, báo chí dễ tiếp cận thông tin cho nên thay vì có sự xác minh cẩn trọng một thông tin trước khi xuất bản thì có tình trạng người làm báo đưa cả những thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.

Hệ lụy với xã hội đối với những thông tin dạng này là rất lớn. Thạc sĩ Đỗ Quyết Thắng cũng chỉ ra một số thách thức của báo chí trong bối cảnh hiện nay, đó là, thay vì đầu tư, tự chủ về công nghệ thì nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang lệ thuộc công nghệ của các đối tác khiến việc bị lệ thuộc vào công nghệ của bên thứ ba là rất lớn. Việc hoạt động báo chí đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin giả, tin chưa kiểm chứng. Ngoài ra, khi “hòa mình” vào xu hướng của các nền tảng mạng xã hội, tình trạng bị ăn cắp bản quyền về nội dung xuất bản cũng trở nên phổ biến mà các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng chưa có các giải pháp để chấn chỉnh triệt để.

Đối với thách thức về nguồn nhân lực, Thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông cho biết: Để tổ chức được nội dung báo chí trên nền tảng mạng xã hội cần phải có đội ngũ biên tập viên truyền thông xã hội “chắc tay” về kỹ năng mạng xã hội, biết phân tích dữ liệu bạn đọc và xu hướng tiếp cận thông tin báo chí, nhưng thực tế qua khảo sát tại 142 cơ quan báo chí thì chỉ có 18% số cơ quan có nhân sự để phát triển nội dung này, trong đó hầu hết là kiêm nhiệm; số cơ quan có từ tám nhân sự chuyên trách chỉ chiếm tỷ lệ 7%. Đây là nguyên nhân cho thấy, số lượng cơ quan báo chí phát triển tốt các nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội là không nhiều, nhiều cơ quan chỉ xây dựng mang tính “phong trào”, hiệu quả mang lại không cao.