Phát triển nhanh và bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Những năm qua, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Câu chuyện về liên kết vùng, liên vùng đang được đặt ra, cần nhiều giải pháp thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố biển Nha Trang. (Ảnh VƯƠNG MẠNH CƯỜNG)
Một góc thành phố biển Nha Trang. (Ảnh VƯƠNG MẠNH CƯỜNG)

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố; có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển, đảo. Trong vùng có 3 tỉnh được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về xây dựng, phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn trong phát triển được khơi thông; tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/ 2022, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.

Hạn chế và yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới; hoạt động của Hội đồng điều phối vùng chưa hiệu quả; cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập; phân chia các tiểu vùng chưa thống nhất; thiếu hệ thống các chỉ tiêu kinh tế-xã hội để quản lý, điều tiết vùng; chưa có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá: Việc thực hiện liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung hiện nay còn nhiều khó khăn. Dễ thấy nhất là do tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng, chẳng hạn như biển, du lịch, cảng biển, khu kinh tế, nguồn nhân lực… cho nên có sự trùng lắp các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dẫn đến có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ diễn ra sáng 12/8 vừa qua tại thành phố Nha Trang, nhiều đại biểu đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh liên kết trong vùng như: Liên kết đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương trong vùng đến tiêu thụ tại các thị trường lớn ngoài vùng, nhất là khu vực Tây Nguyên, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế biển và một số ngành, nghề khác; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá để chia sẻ thông tin, tạo liên kết trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; liên kết phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển, đảo; phối hợp trong đào tạo nhân lực, điều tiết, sử dụng lao động, nhất là lao động trong các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Kết luận hội nghị nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò hết sức quan trọng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh… Trên cơ sở thực tiễn, các địa phương trong vùng cần nghiên cứu thành lập các tiểu vùng liên kết theo vị trí địa lý hoặc theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực; tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch vùng và phương án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng, tránh đầu tư dàn trải, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững các ngành, nghề trọng điểm...

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng điều phối vùng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hoạt động bảo đảm triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng; chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để thống nhất phương án hợp tác thiết thực; tạo động lực cùng nhau phát triển, tránh đầu tư cơ sở hạ tầng chồng chéo gây lãng phí, tránh sự cạnh tranh, xung đột lợi ích…