Phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn một triệu lao động là người ngoài tỉnh. Để ổn định nguồn nhân lực nhằm phát triển bền vững, tỉnh đã chú trọng xây dựng nhà ở xã hội và bước đầu đạt kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội Becamex Hòa Lợi tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư.
Khu nhà ở xã hội Becamex Hòa Lợi tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư.

Để nhà ở xã hội thật sự giúp người lao động an cư lạc nghiệp, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nhà ở giá rẻ nhằm yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài tại tỉnh.

Tạo thuận lợi tiếp cận nhà ở xã hội

Trong những ngày đầu tháng 3/2024, tại phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, dự án Khu nhà ở an sinh đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến trong tháng 6/2024 kịp cất nóc ba khối nhà đầu tiên trong tổng số sáu khối nhà cao tầng của dự án. Dự án Khu nhà ở an sinh được xây dựng trên khu đất 2,7 ha, sáu khối nhà cao 12 tầng, 978 căn hộ có tổng diện tích sàn hơn 83.000 m2.

Trong tình hình chung còn nhiều khó khăn của thị trường bất động sản nhưng việc triển khai dự án như kế hoạch đề ra đã khẳng định Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị luôn chủ động, đi đầu trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Bộ Xây dựng, cũng như tỉnh Bình Dương về phát triển nhà ở xã hội, qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực nhà ở.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, hiện nay Khu nhà ở an sinh đã đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai 456 căn hộ từ 38,8 m2-67,9 m2 tại 3 khối nhà chung cư A4, A5 và C. Đại diện Khu nhà ở an sinh ở Bình Dương đã nhận hồ sơ đăng ký từ tháng 11/2023 với giá bán căn hộ 16.926.330 đồng/m2 (đã bao gồm VAT và chi phí duy tu, bảo trì).

Tạo thuận lợi cho người mua, Khu nhà ở an sinh được thanh toán trong chín đợt; trong đó, từ đợt một đến đợt bảy, thanh toán mỗi đợt 10% giá trị hợp đồng và thời gian cách nhau giữa hai đợt khoảng hai tháng. Với dự án này, đối tượng dành cho sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian vay lên đến 25 năm. Mức vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê nhà ở xã hội và lãi suất vay hiện nay là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Tại Bình Dương, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có năm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được triển khai.

Trong đó, Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Sau hơn 10 năm triển khai, Becamex IDC đã xây dựng nhà ở xã hội tại nhiều địa phương: thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng. Với Đề án nhà ở xã hội Becamex ban đầu có quy mô 65.000 căn, đã xây dựng hoàn thành hơn 47.500 căn, hiện tổng công ty tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo nhằm tạo cơ hội an cư cho hàng trăm nghìn lao động.

Phát triển kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội, thông qua việc kiến tạo một hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ nhà đầu tư, phục vụ người dân, người lao động, Becamex IDC đã thiết kế nhà ở xã hội rất linh hoạt với nhiều loại sản phẩm, giá bán phù hợp, dao động từ 120-280 triệu đồng/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/căn.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận thì doanh nghiệp kiên định với triết lý “góp tiền thuê trọ thành nhà” để hỗ trợ người lao động an cư lạc nghiệp tại những nơi mà Becamex IDC đầu tư. Trong quá trình xây dựng hơn 64.000 căn nhà ở xã hội đã và đang hoàn thiện, và có thể lên tới hơn 118.000 căn nhà, đội ngũ chuyên môn của Becamex IDC đã tính toán kỹ lưỡng đến từng m2, vừa bảo đảm được chất lượng của công trình, vừa giảm giá thành tối đa để tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp mua được nhà, yên tâm an cư, lạc nghiệp tại tỉnh Bình Dương.

Nhà ở xã hội giúp ổn định nguồn lực phát triển bền vững

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa việc xây dựng nhà ở để bán, cho thuê đối với người có thu nhập thấp, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư nhà ở, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân và người lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương quy hoạch các dự án về nhà ở xã hội vào các quy hoạch phát triển đô thị, nhất là phải tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, từ đó đóng góp lâu dài cho tỉnh.

Theo Sở Xây dựng Bình Dương, hiện nay Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đang được hoàn tất để Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Theo đề án, dự kiến tỉnh sẽ đầu tư khoảng 172.735 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 613 ha, diện tích sàn xây dựng đạt hơn 9,5 triệu m2, đáp ứng cho 636.796 dân số, tổng mức đầu tư khoảng 87.236 tỷ đồng, cao gấp hai lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025, dự kiến bố trí 159 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 42.514 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 138.188 dân số; giai đoạn 2026-2030 dự kiến bố trí khoảng 454 ha diện tích đất, đầu tư hoàn thành khoảng 130.221 căn nhà ở xã hội cho khoảng 498.608 dân số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng: Việc xây dựng nhà ở xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của tỉnh, có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho người lao động an cư, lạc nghiệp, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Với đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 của tỉnh được xây dựng cụ thể với bảy nhóm giải pháp, tương ứng với bảy loại đất và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội.

Để đề án sớm được tỉnh phê duyệt, các địa phương phối hợp Sở Xây dựng khảo sát rà soát lại các địa điểm phát sinh, nắm thông tin dữ liệu đưa lên danh sách các địa điểm đất chuyển đổi công năng làm dự án nhà ở xã hội; đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo xem xét từng dự án nhà ở xã hội để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, ra cơ chế. Đối với các huyện phía bắc của tỉnh còn nhiều quỹ đất, khi quy hoạch khu, cụm công nghiệp phải xác định địa điểm xây nhà ở xã hội cho người lao động an cư, có như vậy công nghiệp mới phát triển bền vững.