Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, đến nay, chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả.
Dẫn giải rõ hơn, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, HTX còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.
Tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020 cả nước có 17 nghìn HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%, chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng. “Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo cho rằng, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là rào cản trong phát triển HTX nông nghiệp. Do vậy, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khu vực HTX để thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; một số mô hình thành công về HTX chuyển đổi số tại địa phương, Đồng thời, đề xuất được nhiều giải pháp khả thi và thiết thực cho các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu trong áp dụng giải pháp chuyển đổi số, công nghệ thông tin cho khu vực HTX.
Theo số liệu mới nhất từ Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 9/2021, cả nước có 26.593 HTX (17.363 HTX nông nghiệp, 8.042 HTX phi nông nghiệp, 1.188 Quỹ Tín dụng nhân dân), 106 liên hiệp HTX và 119.670 tổ hợp tác, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia, chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn; tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người, đóng góp trực tiếp vào GDP trung bình khoảng 4,8%, tính cả đóng góp gián tiếp của kinh tế thành viên đạt gần 30% GDP.
Quy mô thành viên của HTX và tổ hợp tác ngày càng tăng cho thấy liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh là nhu cầu, xu thế tất yếu khách quan.