Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, nhất là từ thực tế việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác ở thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay. Do ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng, nên bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ sử dụng của người dân.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, việc triển khai "Dự án xe đạp đô thị" tại thành phố Hà Nội là cần thiết. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại một số quận trung tâm. Xe đạp được sử dụng phục vụ người dân bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện hai bánh.
Theo Dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, dự án có mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh, sinh viên, khách du lịch…
Sở Giao thông vận tải đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng. Sau thời gian này, Sở sẽ tiếp tục thống kê, tổng hợp và đánh giá kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022 đến năm 2023. Giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2024, sẽ mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và cơ quan liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.
Đơn vị được lựa chọn để phối hợp Sở Giao thông vận tải xây dựng dự án là Tập đoàn Trí Nam, đây cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021. Doanh nghiệp sẽ thực hiện đầu tư toàn bộ kinh phí thực hiện dự án trên. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân cho biết, sau ba tháng triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh, xe đạp công cộng nhận được những kết quả rất tích cực với gần 110 nghìn tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ. Con số này là khả quan bởi thời gian qua, số lượng học sinh, sinh viên đến trường còn ít.
Việc sử dụng dịch vụ khá đơn giản, người dùng có thể tải app TNGO và liên kết với các tài khoản là có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. Khách hàng có thể thanh toán dịch vụ thuê xe qua các kênh như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, nộp tiền trực tiếp. Giá vé là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Người dùng chỉ cần bật app đưa vào quét để mở khóa điện tử là có thể sử dụng.
Lãnh đạo Tập đoàn Trí Nam cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông qua việc bố trí mặt bằng cho các trạm đặt xe. “Ngay sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ bắt tay vào thực hiện và chỉ sau hai đến ba tháng là có thể vận hành ngay”, ông Đỗ Bá Dân nói.