Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, cùng gần 300 đại biểu các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc các cơ quan Trung ương, địa phương chủ động phối hợp tổ chức hội thảo triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, tạo lan tỏa kết quả Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước đã đề ra, triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách dân tộc; các văn kiện của Đảng nhất quán nguyên tắc, định hướng chiến lược là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận vùng thượng du các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh giàu tiềm năng, thế mạnh, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Nhằm bàn giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu: Từ nay đến năm 2030, chúng ta phải giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; coi trọng truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở thảo luận nhóm giải pháp huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng kinh phí; mở rộng đối tượng cho vay để đồng bào phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các tỉnh, huyện, đề cao vai trò, trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện của Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; chăm lo thiết thực, có hiệu quả hơn việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao tại vùng dân tộc, miền núi, tiếp tục việc đưa, đón cán bộ từ miền xuôi lên công tác lâu dài, tăng cường các cán bộ đào tạo cơ bản, hướng về cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới…
Tham luận tại Hội thảo, Thường trực Hội đồng Dân tộc thông tin về đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, định hướng thực hiện; một số vấn đề an sinh xã hội cần quan tâm, phát triển giáo dục - đào tạo, hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú, góp phần nâng cao trình độ nhân lực ở khu vực này; huy động sự tham gia tích cực, thiết thực của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp. Một số ý kiến trao đổi về bố trí kế hoạch vốn thực hiện chương trình, tạo thêm cơ hội sinh kế cho nhân dân, khơi dậy nghị lực vươn lên của mỗi cá nhân, gia đình, tập thể; tôn vinh, nhân rộng gương người tốt, những việc làm tốt, nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là bước đột phá trong thể chế hóa Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và tổ chức hội thảo tại cơ sở là cách làm thiết thực, hiệu quả trong triển khai thực hiện đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 2.
Hội thảo ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội cùng thành tựu to lớn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nước ta nói chung cùng kinh nghiệm thực hiện ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Kết quả đã tạo nên sự thay đổi diện mạo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng miền núi, dân tộc.
Tại Hội nghị, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trao 2,4 tỷ gửi tới đảng viên cao tuổi tiêu biểu; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao 900 triệu đồng động viên học sinh nghèo, vượt khó ở ba tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.