Phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Trích tham luận của đồng chí  ÐỖ VĂN CHIẾN, Ủy viên T.Ư Ðảng khóa XIII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

Phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN). Những quyết sách quan trọng của Ðảng, Nhà nước là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020.

Những kết quả chủ yếu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2016 - 2020 là: Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng.  Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến khá rõ nét. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Từ thực tiễn công tác giai đoạn 2016 - 2020, rút ra ba bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân; của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

Hai là, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS và MN; kịp thời chuyển tải chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chú trọng củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Ðảng và Nhà nước.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; phát triển đảng viên, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Chúng tôi nhất trí cao với phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2025 đã được trình bày trong dự thảo Báo cáo chính trị. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Kiên định, kiên trì thực hiện các quan điểm, đường lối của Ðảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành T.Ư (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Tiếp tục khẳng định đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách; là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

2. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS.

3. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định để huy động các nguồn lực khác.

4. Ðẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

5. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

6. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự, nhất là ở các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền trung.

7. Chú trọng bồi dưỡng phát triển đảng viên là người DTTS, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Biểu dương, tôn vinh, động viên người có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học… có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

8. Tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030. Ðổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.