Phát triển kinh tế nông hộ ở huyện Phúc Thọ

Nhờ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế nông hộ đã giúp người dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) không chỉ có cuộc sống ổn định, mà còn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng hành lá mang lại thu nhập cho người dân xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.
Trồng hành lá mang lại thu nhập cho người dân xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.

Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Hoàng Thực, thôn 6, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ đã trồng bưởi theo hướng VietGAP. Nhận thấy bưởi là giống cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ông Thực cùng với 260 hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của trồng 5 ha bưởi Diễn và bưởi Tam Vân.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, hiện toàn bộ 5 ha bưởi đã cho thu hoạch. Với giá bưởi trung bình 25 nghìn đồng/quả (giá được cho là có thể cao hơn vào dịp Tết Nguyên đán) khiến cho bà con rất mừng, nhiều gia đình đã làm giàu từ bưởi.

Chứng kiến sự thành công của các hộ trồng bưởi tiên phong, người dân xóm 6, các thôn, xóm ở Hát Môn hay Vân Hà, cũng xắn tay vào cuộc “cách mạng” ruộng vườn. Những khu vườn bỏ hoang, kém hiệu quả được chuyển sang trồng bưởi, tạo nên những khu vườn bưởi rộng từ 5 đến 6 sào. Theo tính toán của người dân địa phương, trung bình mỗi hộ thu nhập gần 200 triệu đồng/vụ/năm.

Xã Võng Xuyên lại có những hộ khá lên nhờ trồng hành lá. Với lợi thế là xã ven sông, đất phù sa được bồi hằng năm, Võng Xuyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây rau màu; trong đó, có hành lá, loại cây được cho là có khả năng thâm canh cao, tăng hệ số sử dụng đất. Vì vậy, hành lá đang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Võng Xuyên với 115 ha trồng ở 11 thôn.

Bà Lê Thị Tuyến, thôn Võng Nội chia sẻ, hành dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian quay vòng gối vụ nhanh cho nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm người dân có thể trồng từ 7 đến 8 lứa hành lá, mỗi lứa có thời gian từ 40 đến 45 ngày, thời tiết lạnh có thể thu hoạch sớm hơn khoảng 30 ngày. Nếu được chăm sóc tốt thì mỗi sào có thể cho thu hoạch 5 đến 6 tạ/lứa, với lợi nhuận từ 20 đến 25 triệu đồng/vụ.

Theo Trưởng thôn Võng Nội Đoàn Thị Ngân, hầu hết người dân trong thôn đã chuyển đổi 100% đất nông nghiệp sang trồng hành lá. Trong điều kiện thuận lợi, bà con có thể thu về 60 đến 70 triệu đồng/sào canh tác hành lá mỗi năm. Cây hành lá đã và đang giúp nhiều hộ nông dân từ cuộc sống khó khăn do ít đất sản xuất đã vươn lên khá và làm giàu.

Kinh tế hộ khởi sắc, cũng là thời điểm thuận lợi để người dân huyện Phúc Thọ dồn sức cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo đề án đã được phê duyệt... Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Toàn huyện phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành 5 xã NTM nâng cao, giai đoạn 2024-2025 thêm 2 xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt mục tiêu 85 triệu đồng/người/năm.

Để đạt mục tiêu nêu trên, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, theo từng lĩnh vực bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ tiến độ hoàn thành, gắn với thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; đồng thời đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làng nghề...

Trên thực tế, để xây dựng NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu thành công, việc tăng cường năng lực để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động tham gia xây dựng quê hương, thôn xóm của mình được xem là yếu tố then chốt.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp bảo đảm đúng quy trình và hiệu quả, trong đó chú trọng chất lượng các mô hình sản xuất mới gắn với hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn, du lịch sinh thái với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Trên cơ sở đó, huyện khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm từ đó tăng sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện tại Phúc Thọ đã xác định được một số cây trồng chủ lực phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, bước đầu hình thành những vùng nguyên liệu trù phú. Tuy nhiên, để phát huy và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực kinh tế để nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi mới nhằm tiếp tục phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/người/năm.