Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng xanh, bền vững

Ngày 10/8, Hội đồng lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Tây Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: "Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
0:00 / 0:00
0:00
 Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; đồng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, Ban Tổ chức thống kê: tháng 12/2020, Tỉnh ủy Tây Ninh đã phối hợp với Hội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Khu kinh tế Mộc Bài-Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển”; Hội thảo đã phân tích đánh giá vị trí địa kinh tế, địa chính trị trong lợi thế so sánh, thực trạng phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm trong nước phát triển các khu kinh tế và đề ra định hướng, mô hình phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đa chức năng: Công nghiệp-đô thị-thương mại-dịch vụ, có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, lấy công nghiệp hiện đại, đô thị sinh thái làm động lực chính.

Mô hình được đề xuất cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian tới cũng phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm được nêu trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định “Phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-TP Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á”. ..

Từ kết quả Hội thảo trước, Tỉnh ủy Tây Ninh được Hội đồng Lý luận Trung ương hỗ trợ tiếp tục nghiên cứu sâu nhằm làm rõ hơn các đề xuất, tạo cơ sở lý luận chặt chẽ hơn trong giai đoạn xây dựng và trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, góp phần đảm bảo tính khoa học, khả thi của quy hoạch.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, Tây Ninh nằm phía tây bắc của khu vực Đông Nam bộ, có đường biên giới trên bộ dài thứ hai với nước bạn Campuchia, là hướng kết nối quan trọng của khu vực phía nam với Campuchia, tiểu vùng sông Mekong mở rộng và các nước ASEAN, đặc biệt là hướng kết nối thuận tiện nhất giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh thông qua trục đường Xuyên Á và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Với vị trí chiến lược như vậy, Mộc Bài từ lâu đã trở thành cửa ngõ, cầu nối trên bộ quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng rằng hội thảo lần này sẽ có nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, sâu sắc, những kinh nghiệm quý báu từ các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương về những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để Tây Ninh báo cáo Trung ương cho chủ trương, chỉ đạo làm cơ sở xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Đây còn là một cơ hội để tiếp cận các quan điểm, tư duy mới về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu trong giai đoạn mới; làm cơ sở để địa phương tiếp thu, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lập; đồng thời, đề xuất, bổ sung các quan điểm mới trong quá trình Trung ương đang tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị và xây dựng Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Qua đó, đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng giải pháp và kiến nghị phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Khu kinh tế Mộc Bài với tính chất là khu kinh tế trọng điểm, là một cực tăng trưởng kinh tế và vùng động lực phát triển mới ở phía nam của đất nước.

“Chúng ta hướng tới phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là hình thành một Trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistic. Theo đó, phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo. Xây dựng khu đô thị sinh thái, đáng sống, thông minh, vừa có đẳng cấp quốc tế, hội nhập, vừa mang bản sắc Việt Nam. Hình thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu thông minh, hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ và logistic, nơi trung chuyển giao thương quốc tế của Tiểu vùng Mekong, kết hợp với phát triển các lĩnh vực tài chính, du lịch, nông-lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, cần bổ sung, hoàn thiện quy hoạch Khu kinh tế Mộc Bài mang tầm nhìn dài hạn, ổn định làm căn cứ cho việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong khu kinh tế cũng như kết nối giữa khu kinh tế với bên ngoài trên cơ sở rà soát quá trình triển khai Quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009. Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại theo phương châm “hạ tầng đến đâu, giàu đến đấy” trong việc lựa chọn và xác định các phân khu chức năng trong cấu trúc quy hoạch phát triển.