Phát triển hệ thống thương mại

Để tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm mua sắm, giao dịch và phân phối hàng hóa hàng đầu của cả nước; đầu mối lớn nhất cả nước về giao thương quốc tế, ngành công thương thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực...

Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại một siêu thị Co.opmart ở TP Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại một siêu thị Co.opmart ở TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, toàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi), 236 chợ truyền thống. So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố tăng thêm sáu trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi và giảm bốn chợ. Cùng với đó, thành phố hiện có hơn 28 nghìn cửa hàng bán lẻ truyền thống (cửa hàng tạp hóa) đang hoạt động. Hệ thống phân phối hiện đại của thành phố được đánh giá có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.

 Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử ở thành phố đã phát triển nhanh chóng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Hiện, thành phố có 139.279 website hoạt động. Trong đó, có 16.244 website thương mại điện tử đã thông báo, đăng ký với Bộ Công thương, gồm 15.746 website bán hàng (chiếm 48,3% tổng số website bán hàng của cả nước) và 498 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 49,7% cả nước). Tỷ lệ doanh nghiệp cập nhật website hằng ngày ổn định ở mức cao (47%); các tính năng của website ngày càng đa dạng, cho phép đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Xu hướng phát triển thương mại điện tử trên thiết bị di động ngày càng tăng nhanh. 
 
 Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới cũng bắt đầu phát triển với việc các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước đã mở rộng quy mô kinh doanh, giúp người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng mua hàng hóa từ thị trường quốc tế. Các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước cũng từng bước giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.

 Mạng lưới chợ truyền thống của thành phố hiện có giảm về số lượng so với năm 2016, nhưng chất lượng và dịch vụ từng bước được cải thiện theo hướng văn minh, phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Cơ sở vật chất tại một số chợ được quan tâm sửa chữa, nâng cấp nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu buôn bán của thương nhân và mua sắm của người tiêu dùng; góp phần cải thiện an ninh trật tự, giữ gìn mỹ quan và môi trường đô thị. Sở Công thương thành phố đã phối hợp một công ty sản xuất phần mềm triển khai mô hình “Chợ truyền thống trực tuyến”. Mục tiêu của mô hình này là tạo sự đa dạng trong phương thức kinh doanh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý và phục vụ hoạt động của chợ truyền thống. Đến nay, mô hình này đã được triển khai tại 20 chợ, xử lý được gần 6.000 đơn hàng với tổng giá trị hơn 1,49 tỷ đồng. 
 
Thời gian tới, Sở Công thương thành phố sẽ tiếp tục mở rộng việc triển khai mô hình nêu trên ở các chợ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sẽ triển khai chương trình nâng cao hiệu quả mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống, qua đó hỗ trợ các hệ thống bán lẻ lớn mở rộng thị phần, đa dạng kênh phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, dự kiến đến năm 2025 thành phố sẽ phát triển thêm 67 siêu thị, 81 trung tâm thương mại; giữ nguyên hiện trạng 200 chợ, phát triển thêm 17 chợ; giải tỏa, di dời, chuyển công năng của 37 chợ... 

Theo đánh giá của Sở Công thương thành phố, phần lớn chợ truyền thống ở thành phố đã xuống cấp, các tiện ích công cộng vừa thiếu thốn, vừa lạc hậu (nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe...), thiếu hệ thống xử lý nước thải, thiếu kho bảo quản hàng hóa, diện tích điểm kinh doanh chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, theo các quy định pháp luật hiện hành, gần như không thể sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp chợ. Cũng do các ràng buộc của quy định pháp luật, việc xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp và khai thác chợ gặp nhiều khó khăn, không hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, trên địa bàn thành phố có nhiều chợ đã xuống cấp và UBND các quận, huyện đã nhiều lần mời gọi đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ nhưng không thu hút được các nhà đầu tư. 

 Từ thực tế, Sở Công thương thành phố kiến nghị HĐND thành phố xem xét có cơ chế hỗ trợ các quận, huyện trong công tác cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống thông qua việc phân bổ, điều tiết dự toán ngân sách cho các quận, huyện. Trước tình trạng kinh doanh tự phát dưới nhiều hình thức chung quanh các chợ, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các thương nhân trong chợ và nhiều hệ lụy khác, Sở Công thương kiến nghị HĐND thành phố xem xét và ban hành một nghị quyết về việc kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát này và có cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện...