Phát triển hệ thống giao thông thân thiện môi trường

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện các chính sách đầu tư nhằm “xanh” hóa hệ thống giao thông vận tải, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông công theo hướng xanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Theo lộ trình Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, với các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi, 100% số phương tiện phải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Theo lộ trình Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, với các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi, 100% số phương tiện phải sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đẩy lùi ô nhiễm, giảm khí thải các-bon

Lựa chọn tuyến xe buýt điện mới mở đi từ chung cư của mình đến ga Rạch Chiếc để “nối chuyến” với tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, chị Nguyễn Thanh Hương, ở tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức nhận thấy, chi phí đi xe buýt điện hợp lý vì được trợ giá như xe buýt thường mà lại thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm và phát thải. Đây cũng là tuyến buýt điện do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh mở mới trong số 17 tuyến xe buýt điện nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận với tuyến metro số 1.

Theo kế hoạch vừa được Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố sẽ khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư, chuyển đổi xe buýt chạy bằng xăng, diesel qua xe điện từ nay đến năm 2030. Trong đó, thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tỷ lệ 100% vào năm 2030; đối với các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi, 100% số phương tiện phải sử dụng dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự kiến đến năm 2030, thành phố có 3.317 xe buýt. Do đó, nếu không kịp thời có lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì đến năm 2030, tổng xe trên các tuyến mở mới tăng 50% so với hiện nay. Lúc đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông sẽ trở nên trầm trọng, ảnh hưởng sức khỏe của người dân và gây thiệt hại kinh tế cho thành phố. Qua thống kê, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 2.209 xe buýt đang lưu hành (trong đó có 528 xe chạy bằng khí CNG), phát thải 553 nghìn tấn CO2 mỗi năm.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xanh, từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao. Theo Sở Giao thông công chánh, thành phố chia làm hai giai đoạn thực hiện kiểm soát phương tiện giao thông. Giai đoạn 1 sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố; giai đoạn 2 nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi các phương tiện giao thông với phương án lựa chọn là huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm để thực hiện thí điểm.

Ưu tiên quy hoạch và đầu tư trạm sạc điện

Việc chuyển đổi phương tiện sử dụng điện đòi hỏi phải xây dựng hệ thống hạ tầng trạm cung cấp năng lượng điện đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu của phương tiện sử dụng điện. Chính vì vậy, hệ thống trạm cung cấp năng lượng điện quyết định tính khả thi của lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung.

Theo tính toán, với số lượng phương tiện xe buýt đến năm 2030 của thành phố là 3.317 xe sẽ cần ít nhất 25 trạm cung cấp năng lượng điện với 269 trụ sạc điện. Bên cạnh đó, với số lượng phương tiện xe buýt sử dụng khí CNG đến năm 2030 là 528 xe cũng cần ít nhất sáu trạm cung cấp năng lượng CNG. Trong khi đó, thực tế số trạm cung cấp điện, trạm nạp khí CNG còn quá ít, kể cả chưa có quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp vận tải buýt (Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn), chủ trương chuyển đổi phương tiện cũ sang phương tiện xanh là hoàn toàn hợp lý, phù hợp cam kết chung tiến tới NetZero của Chính phủ. Tuy nhiên, điều làm doanh nghiệp trăn trở chính là kinh phí đầu tư phương tiện vì giá thành một chiếc xe buýt điện gấp ba đến bốn lần so với xe buýt chạy bằng dầu hoặc khí CNG. Chưa kể, hiện nay trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống trạm sạc điện phục vụ các phương tiện xe buýt.

Lo lắng của ông Khánh là băn khoăn của các doanh nghiệp vận tải khi hiện nay thành phố chỉ có một trạm sạc do VinBus đầu tư (tại thành phố Thủ Đức) nhằm phục vụ cho các phương tiện của công ty và không chia sẻ cho các phương tiện thuộc hãng khác. Như vậy, thành phố cần phải xây dựng và sớm ban hành lộ trình hỗ trợ chuyển đổi với các chính sách ưu tiên đối với hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi phương tiện cũng như hệ thống trạm sạc điện năng.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố tính toán, dự kiến nguồn kinh phí để thành phố thực hiện chương trình chuyển đổi phương tiện công cộng qua phương tiện “xanh” giai đoạn 2025-2030 là 3.521 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ lãi vay đầu tư chuyển đổi phương tiện khoảng 2.000 tỷ đồng, kinh phí đầu tư xây dựng trạm sạc điện khoảng 1.300 tỷ đồng.

Hy vọng, với các chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh chính là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tiến độ thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.