Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong cả nước về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố đã hình thành và phát triển, tạo sức lan tỏa từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Vườn ươm khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Vườn ươm khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đây là một trong những đề án quan trọng, là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai xây dựng các chương trình khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Sau hơn sáu năm thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg và triển khai các chương trình khoa học-công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố đã tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Có thể nói, thành phố là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đồng thời, cũng luôn tiên phong trong hoạt động hỗ trợ, ban hành nhiều chính sách đột phá để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thành phố đã xây dựng mô hình không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub-SIHUB), đánh dấu sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Đây là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Đã thực hiện kết nối các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, đưa vào hoạt động các mô hình Innovation Lab (Phòng thử nghiệm sáng tạo số), Openlab Phòng thí nghiệm mở).

Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Công viên phần mềm Quang Trung, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Minh

Với nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, thành phố đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố chiếm hơn 50% cả nước. Thành phố cũng có 34 cơ sở ươm tạo/tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, 100 quỹ đầu tư, 250 chuyên gia/cố vấn khởi nghiệp (mentor).

Thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ hơn 3.500 cá nhân, nhóm khởi nghiệp được huấn luyện kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển ý tưởng và đánh giá sản phẩm khởi nghiệp; hơn 300 giảng viên, cán bộ các trường đại học, đơn vị được trang bị kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trên địa bàn thành phố, mỗi năm có hơn 500 sự kiện khởi nghiệp được tổ chức ở cả hai khối Nhà nước và tư nhân, có khoảng 350 dự án được ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo Nhà nước. Nhiều dự án khởi nghiệp đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần (tổ chức hỗ trợ tài chính)…

Về Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố và các đơn vị liên quan đã tuyển chọn hỗ trợ hơn 60 dự án với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng và đã nghiệm thu hơn 40 dự án.

Trong số các dự án được nghiệm thu có hai dự án được nhà đầu tư mua lại, định giá tăng gấp từ 1,1 lần đến 1,5 lần, năm dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho Nhà nước, bảy dự án huy động được vốn từ các quỹ đầu tư khoảng 838.000 USD (gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của chương trình). Tổng giá trị định giá của hơn 60 dự án được tuyển chọn hỗ trợ gần 30 triệu USD, phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ là khoảng 1,84 triệu USD (chiếm 6,1%).

Theo ông Lê Thanh Minh, với nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khoa học-công nghệ nêu trên, đã tạo được nền tảng ban đầu giúp hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021. Tạo được niềm tin, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

Cụ thể, góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 38,42% (giai đoạn 2016-2020), năng suất lao động xã hội của thành phố cao gấp hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Kết quả này gián tiếp đóng góp vào những nỗ lực của Việt Nam trên chặng đường đổi mới sáng tạo, thể hiện rõ nét trên bảng phân loại chỉ số sáng tạo toàn cầu.

Theo Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu-StartupBlink về công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54, tăng năm bậc so với năm 2021.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ năm tại khu vực Đông Nam Á, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến gần đến Tốp 100, tăng 68 bậc lên vị trí 111.

Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội, thời gian tới, thành phố tập trung phát triển mạng lưới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học-công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, thành phố lập và đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, phát triển không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động ươm tạo và kết nối mạng lưới hệ sinh thái, phát triển các cơ sở ươm tạo theo các lĩnh vực trọng điểm của thành phố.