Việc chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia có vai trò và tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Hạ tầng thông tin, viễn thông có vai trò như mạch máu, năng lượng của xã hội số, đồng thời là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục, văn hóa, an ninh quốc phòng,…
Kết quả từ bước đi đúng hướng
Tại thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số (năm 2020), hạ tầng thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp cũng như nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân.
Tuy nhiên, Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức trong phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông: Hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, hiện đại, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; kinh tế số của tỉnh phát triển thấp, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế cũng như chưa tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội mới; một số ngành kinh tế còn lạc hậu, chưa khai thác được các nền tảng kỹ thuật số; xã hội số của tỉnh còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân vì thiếu các nền tảng giáo dục số, y tế số hay văn hóa số.
Để khắc phục những hạn chế, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, xác định mục tiêu cụ thể về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông bảo đảm cung cấp đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và an toàn cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Căn cứ vào Nghị quyết này, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch về phát triển viễn thông cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Nội dung trọng tâm của kế hoạch là tăng cường đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thông tin, viễn thông, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời, ưu tiên triển khai các công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data để tạo đột phá và sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, an ninh và quốc phòng,…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên Vũ Anh Dũng cho biết: Nhờ thực hiện các giải pháp nêu trên, tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, doanh thu năm 2023 ngành thông tin và truyền thông của tỉnh ước đạt hơn 1.115 tỷ đồng, tăng 8,78% so với năm 2022; kinh tế số năm 2023 vươn lên chiếm 8% GRDP của tỉnh.
Ngoài ra, tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G cũng tăng từ 75% năm 2020 lên 95% năm 2023; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định tăng từ 31% lên 48%; người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận, sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu như chính quyền số, y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…
Từ những giải pháp đã thực hiện cũng như kết quả đạt được, Điện Biên rút ra kinh nghiệm việc phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự đồng thuận, đồng bộ, đồng tâm của các ngành, các cấp, các địa phương và tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Quá trình triển khai phải dựa trên nhu cầu thực tiễn và tiềm năng của địa phương, đồng thời hội nhập và học hỏi những kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp tiên tiến của thế giới.
“Quan trọng là song song với sự đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước phải có sự tham gia đóng góp và chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội”, ông Vũ Anh Dũng nhấn mạnh.
“Xương sống” của nền kinh tế số
Các trung tâm dữ liệu (IDC - internet data center) được coi là “xương sống” của kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, cung cấp sức mạnh cho thế giới số hiện đại và giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT- IT Nguyễn Đức Kiên cho biết, là đơn vị tiên phong về hạ tầng số tại Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xây dựng, triển khai tám trung tâm IDC trên toàn quốc và nhiều IDC vệ tinh tại các tỉnh, thành phố phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn.
Đáng chú ý, trong năm 2023, VNPT đã đưa vào khai thác IDC Hòa Lạc, trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại nhất của Tập đoàn tính tới thời điểm hiện tại với nhiều ưu thế vượt trội trên thị trường.
Ngoài việc đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất cũng như sở hữu hệ thống kiểm soát an ninh sáu lớp, IDC Hòa Lạc có thể cung cấp số lượng không giới hạn IP tĩnh, cổng kết nối với băng thông lớn ra internet đạt tốc độ từ hàng trăm tới hàng nghìn Mbps.
Với hệ thống IDC phân bổ rộng khắp cùng sức mạnh mạng lưới sẵn có, VNPT đã tạo ra lợi thế không phải nhà cung cấp IDC nào ở Việt Nam có được, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, giúp giảm chi phí trong điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, nói đến hạ tầng số không thể thiếu hạ tầng mạng di động băng rộng. Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông giao, cũng như nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, trong năm 2023, VNPT đã không ngừng nâng cấp hạ tầng mạng băng rộng di động 4G, mở rộng vùng phủ sóng bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng mới kết hợp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và tối ưu hóa chất lượng mạng lưới.
Ngoài ra, VNPT cũng đang đẩy nhanh kế hoạch tắt sóng 2G theo kế hoạch để tiết kiệm chi phí vận hành mạng lưới, dành băng tần số vô tuyến điện, hạ tầng kỹ thuật cho các công nghệ tiên tiến hơn như 4G và 5G theo đúng định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
VNPT cũng triển khai các chương trình thúc đẩy chuyển đổi sang smartphone cho khách hàng như tặng máy, trợ giá máy cùng gói cước ưu đãi truyền thông đối với khách hàng chủ động chuyển đổi.
Kết quả, từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn đã tắt sóng được hơn 2.500 trạm BTS 2G; tổng số đầu cuối thuê bao đã chuyển từ 2G sang 4G của Vinaphone là khoảng 2,3 triệu.
Để phát triển hạ tầng số, bên cạnh các giải pháp nâng cấp hạ tầng băng rộng di động 4G hiện hữu, tắt sóng công nghệ cũ 2G,…, VNPT kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tổ chức triển khai đấu giá đồng thời băng tần mới để các doanh nghiệp cùng triển khai thương mại hóa mạng 5G, cung cấp hạ tầng băng rộng di động với nhiều ưu điểm vượt trội về tốc độ, độ trễ, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng như phát triển kinh tế số và xã hội số.