Phát triển giáo dục sáng tạo

Giáo dục sáng tạo và đổi mới là một trong ba nhóm chính sách nền tảng được Hà Nội tập trung thực hiện, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thành phố Sáng tạo theo cam kết với UNESCO. Trên địa bàn thành phố, bước đầu đã có những mô hình giáo dục sáng tạo đem lại hiệu quả. Song, để có những thế hệ công dân sáng tạo-yếu tố then chốt trong xây dựng thành phố sáng tạo, thành phố cần phải xây dựng nền giáo dục thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Thủ đô tham gia các hoạt động giáo dục kết hợp tham quan, trải nghiệm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Học sinh Thủ đô tham gia các hoạt động giáo dục kết hợp tham quan, trải nghiệm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Đây không phải một danh hiệu được trao tặng mà là sự chuyển hướng trong phát triển của thành phố, khi lấy văn hóa, sáng tạo là động lực để phát triển Thủ đô một cách bền vững.

Những chuyển biến bước đầu

Để xây dựng Thành phố sáng tạo cần có nhân lực sáng tạo. Lâu nay, nguồn nhân lực cho sáng tạo chủ yếu nằm ở đội ngũ nhà thiết kế, nghệ sĩ và những người làm việc trong các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nhưng để có thể xây dựng Thành phố sáng tạo thì cần có cộng đồng sáng tạo. Do đó, vai trò của giáo dục là hết sức quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã bước đầu có những mô hình giáo dục sáng tạo.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Newton 5 là một thí dụ. Trường đã tạo dựng những không gian mở giúp kích thích não bộ và sự quan sát của con trẻ trong quá trình tiếp thu kiến thức. Đó là hình thức tổ chức “Lớp học không bàn ghế”, vượt qua giới hạn của bốn bức tường, khai phóng người dạy bởi những ràng buộc cấu trúc. Lớp học toán đo đạc ngoài trời, tạo các hoạt động không ngừng nghỉ, người học tự khám phá ra kiến thức, giáo viên là người hỗ trợ và định hướng. Lớp học Tiếng Anh-Khoa học bằng chuyến đi tham quan dã ngoại thực tế ngoài vườn trường, hoặc trải nghiệm một ngày giao tiếp với du khách nước ngoài…

Một hình thức khác khá phổ biến là giáo dục STEM (ngành học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán), giáo dục trải nghiệm sáng tạo ở các không gian văn hóa, khoa học kỹ thuật… Học sinh Thủ đô cũng có nhiều sáng tạo trong phương pháp học tập, cải thiện công cụ lao động, nghiên cứu môi trường…

Nhưng nhìn chung, theo bà Trần Thị Ngọc Hân (Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội), các nội dung văn hóa và sáng tạo dù đã được đưa vào chương trình giảng dạy, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục và học sinh, thường bị coi là “môn phụ”; chưa có được môi trường thuận lợi để tạo ra những trải nghiệm phát huy hết tinh thần sáng tạo cho học sinh. Một số chuyên gia khác cho rằng giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, thiếu sự liên kết, tương đối nghèo nàn, đơn điệu, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo, chủ động, tích cực của người dân.

Cần sự đổi mới tư duy

Phát triển thành phố dựa trên nguồn lực văn hóa, sáng tạo là sự thay đổi có tính đột phá. Điều này cũng được chỉ ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là coi văn hóa là nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững. Thành phố sẽ khai thác các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, ngược lại, sự phát triển kinh tế sẽ quay lại bồi đắp cho văn hóa. Để làm được điều này, nhân tố con người càng trở nên quan trọng.

PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho biết: “Hà Nội cần có chương trình giáo dục sáng tạo xuyên suốt trong các nhà trường phổ thông. Không những thế, mục tiêu giáo dục sáng tạo cần được tích hợp vào các mục tiêu khác, để trở thành mục tiêu chung của quá trình giáo dục. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục địa phương của Hà Nội đã được thực hiện sang năm thứ ba. Việc điều chỉnh chương trình và xây dựng các thành tố khác trong hệ sinh thái giáo dục sáng tạo cần được đầu tư và triển khai hệ thống, đồng bộ”.

TS Vũ Trọng Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng Hà Nội cần đổi toàn diện giáo trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và hướng theo thị trường; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số… Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng trường học thông minh là một trong những giải pháp phát triển giáo dục Hà Nội theo hướng hiện đại, sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Theo TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, xây dựng trường học thông minh sẽ giúp đào tạo được những người lao động có đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đưa giáo dục thành phố đáp ứng yêu cầu mới. Xây dựng trường học thông minh đòi hỏi có sự đổi mới mang tính cách mạng về xây dựng mục tiêu giáo dục, phương thức tổ chức giáo dục, về các nhân vật trong nhà trường, quá trình dạy học-giáo dục cũng như quá trình quản lý giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” tổ chức ngày 20/12, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản khẳng định: Hội thảo bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển giáo dục sáng tạo; giới thiệu những mô hình giáo dục mới, tiên tiến và gợi mở về hướng đi mới cho sự phát triển của giáo dục sáng tạo của Hà Nội trong tương lai.

Kết quả của Hội thảo sẽ là căn cứ để Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục hoàn thành việc tham mưu xây dựng Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô-Tầm nhìn đến năm 2030” góp phần thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”.