Xã vùng cao Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) là nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, hệ thống sông, hồ, suối, thác nước dựng đứng, đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn. Đây cũng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách bởi khung cảnh thiên nhiên "sơn thủy hữu tình", không khí trong lành, yên tĩnh khác hẳn chốn thị thành. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được khai thác song song với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm được thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000 m2, đi kèm các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm chia sẻ: Khách đến đây rất thích tận hưởng bầu không khí tại Kỳ Thượng, chèo thuyền và ngắm rừng cây. Đây như một cách để chữa lành tâm hồn và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Sau khi đắm mình vào thiên nhiên, du khách được chào đón bởi chính những người dân trong trang phục dân tộc Dao truyền thống, đồng thời được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng người dân địa phương.
Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả cũng là một điểm đến du lịch văn hóa bản địa hấp dẫn tại thành phố Hạ Long. Ở đây lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y và là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giúp gắn kết tình cảm và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của người Dao bản địa. Gần đây, một số công ty lữ hành đã bắt đầu đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm tại khu bảo tồn. Du khách, nhất là khách quốc tế rất hào hứng và thích thú các hoạt động này.
Huyện miền núi Bình Liêu hiện có ba di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử, văn hóa đình Lục Nà; di tích-danh thắng thác Khe Vằn; di tích-danh thắng Ruộng bậc thang xã Lục Hồn. Cùng với đó, nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao.
Những năm qua, Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu được tổ chức, gắn chủ trương phát triển du lịch của huyện với chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc cũng góp phần quảng bá, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc.
Khai thác tốt các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của Bình Liêu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch thế mạnh, như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá-trải nghiệm, du lịch biên giới... không ngừng khẳng định thương hiệu của một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện Bình Liêu Tô Đình Hiệu chia sẻ: Xác định văn hóa là thế mạnh, là trụ cột cho du lịch phát triển, thời gian qua, huyện Bình Liêu đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng những nghi lễ, truyền thống văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Để biến các chất liệu văn hóa thành sản phẩm du lịch, phù hợp với sự tiếp nhận của đông đảo du khách, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch vừa độc đáo, vừa gần gũi với du khách.
Cách đầu tư vào các giá trị văn hóa trong cộng đồng mà không làm mất đi giá trị nguyên gốc quý giá, nguyên sơ và người dân đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch văn hóa, là hướng đi giúp phát triển du lịch bền vững. Quảng Ninh đã khởi đầu thành công với mô hình du lịch làng quê Yên Đức ở thị xã Đông Triều và đây được xem là hướng đi đúng, giải quyết hài hòa, hiệu quả nhất mối quan hệ này.
Tỉnh Quảng Ninh không chỉ có một làng quê Yên Đức ở Đông Triều mà còn những làng văn hóa giàu có về tiềm năng khác. Nhiều điểm đã, đang nằm trong đề án về phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, của các địa phương ở Hạ Long, Quảng Yên, Đông Triều, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái, các vùng biển đảo của Vân Đồn, Cô Tô... Thêm một điểm cộng là, bên cạnh các giá trị văn hóa thì những khu vực này đều có khung cảnh tự nhiên "sơn thủy hữu tình" càng gia tăng giá trị hấp dẫn khi đầu tư cho du lịch.
Đơn cử, tại huyện miền núi Bình Liêu có các dịch vụ homestay, cắm trại, khám phá các giá trị thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới, thì ở các vùng biển đảo là những dịch vụ trải nghiệm làm ngư dân, tổ chức cho du khách kéo lưới, câu cá, mực... Ở Quảng Yên là tham quan làng nghề, đi thuyền trên sông, trải nghiệm đan lờ, nghe hát chầu văn ở đình, chùa và những trò chơi dân gian, đồng quê.
Trong bốn trụ cột của du lịch Quảng Ninh thì du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới; giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Muốn du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả thì phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và những người làm du lịch cộng đồng. Chỉ khi có sự tham gia của người dân trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm thì du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững được.
Mới đây, tại hội thảo về du lịch tổ chức ở TP Hạ Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ: Du lịch văn hóa góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn hóa độc đáo của Quảng Ninh. Du lịch văn hóa là phương tiện hữu hiệu để quảng bá văn hóa và đối ngoại văn hóa để xây dựng hình ảnh tươi đẹp và hấp dẫn của quê hương Quảng Ninh, đặc biệt là thương hiệu sang, quý của Vịnh Hạ Long thật sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Du lịch văn hóa ở Quảng Ninh còn hướng tới mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.