Hiện cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, do phát triển tự phát nên du lịch nông thôn chưa hấp dẫn du khách, các sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo; các điểm du lịch thiếu sự đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, những dịch vụ ăn nghỉ phù hợp nhiều đối tượng; số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế, mang tính mùa vụ... nên nguồn thu chưa lớn. Nhiều bản làng không chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường, quy hoạch xây dựng dẫn tới phá vỡ cảnh quan. Một số điểm tập trung khách quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, hoặc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm giống nhau dẫn tới sự giảm sút về khách thời gian qua.
Và hiện đang tồn tại những bất cập trong du lịch nông thôn như: các vấn đề liên quan quản lý đất đai, hạ tầng, mở rộng các cấp quản lý du lịch nông thôn, các chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn... Bên cạnh đó, việc chưa có một chính sách tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia nên các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn vẫn còn hạn chế.
Phát triển du lịch nông thôn đã được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Và việc có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia, sẽ giải quyết một cách gốc rễ tình trạng tự phát, quy mô nhỏ như hiện nay.
Bởi vậy, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022) sẽ là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề,... gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn đề ra các mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Ít nhất 50% số dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. 100% số điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% số điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% số chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc...
Dự kiến, tổng nguồn lực thực hiện chương trình sẽ khoảng 2.500 tỷ đồng. Để triển khai hiệu quả chương trình, sáu giải pháp đồng bộ cũng được đề ra trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Nội dung phát triển du lịch nông thôn sẽ được bổ sung vào Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030. Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng sẽ sớm được xây dựng để thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Với những mục tiêu tạo đột phá nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn trong khi làm tốt công tác giữ gìn, xây dựng cảnh quan, môi trường ngày càng văn minh, sạch đẹp, chương trình mang tầm mức quốc gia, xác định mục tiêu rõ ràng, các giải pháp đồng bộ cũng như phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan cùng với việc thu xếp nguồn lực, kinh phí đầu tư... được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới.