Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

NDO -

Ngày 22/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo góp ý về xây dựng chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo trực tuyến.
Hội thảo trực tuyến.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Du lịch nông thôn Việt Nam đa dang và phong phú cả về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống và các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền. Trong thời gian tới, khu vực nông thôn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, dưới tác động của công nghệ và bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến xu hướng và nhu cầu tiêu dùng du lịch của thị trường khách trong nước và quốc tế, đặt ra những yêu cầu mới đối với phát triển du lịch nông thôn.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn mục tiêu cụ thể của chương trình đó là phát triển, chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn ít nhất 1 điểm đến du lịch nông thôn/tỉnh (thành phố) được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn.

Đồng thời, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP, có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP3 sao trở lên được số hóa và kết nối, quảng bá bằng công nghệ số; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử; 70% lực lượng lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch (ít nhất 50% nữ)…

Đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, định mức chi hỗ trợ du lịch nông thôn trong đó hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch như: khảo sát, tư vấn xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch không quá 100 triệu đồng/điểm du lịch; phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch: phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực truyền thống; xây dựng quy trình mẫu về nghề truyền thống; xây dựng sản vật nông sản làm quà tặng lưu niệm, mức hỗ trợ 150 triệu đồng/điểm du lịch; hộ gia đình: hỗ trợ dưới 60 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị ban đầu để phục vụ khách du lịch (homestay). Còn đối với thôn, xóm, bản: hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống…

Qua đó định mức chi hỗ trợ du lịch nông thôn gồm nâng cao năng lực quản lý phát triển du lịch nông thôn chi theo các định mức áp dụng cho cơ quan quản lý, tiêu chuẩn định mức kỹ thuật chuyên ngành…

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, về phía Vụ đã phối hợp để quy hoạch hệ thống du lịch trong năm 2022. Việc phát triển du lịch nông thôn còn đang rất manh mún nên cần sự hỗ trợ của các địa phương và sự phát triển đồng bộ của các tiêu chí. Những trải nghiệm của du lịch nông thôn rất cần những tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ hạ tầng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn cần tập trung vào các định hướng như chính sách phát triển du lịch nông thôn; tổ chức không gian du lịch nông thôn; quản lý du lịch nông thôn; huy động nguồn lực; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; phát triển nhân lực du lịch nông thôn.

Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19