Phát triển du lịch đường thủy xứng tầm

Tập trung đầu tư phát triển du lịch đường thủy là một trong những loại hình đặc trưng mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến trong những năm gần đây. Song, để phát triển đúng tiềm năng, vị thế vốn có của đường thủy trong khai thác du lịch hiệu quả, thành phố cần sớm hoàn thiện công tác quy hoạch, chỉnh trang cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách thu hút nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan sông Sài Gòn bằng tuyến buýt đường sông.
Du khách tham quan sông Sài Gòn bằng tuyến buýt đường sông.

Với tổng chiều dài 913km, gồm 101 tuyến, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những đô thị có thế mạnh về mạng lưới giao thông đường thủy. Trong đó, tuyến đường thủy nội địa chiếm phần nhiều với 83 tuyến, có chiều dài 555km. Giới thiệu về những loại hình vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy sôi động thời gian gần đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An cho biết: Tuyến buýt đường thủy duy nhất của thành phố là tuyến số 1 từ bến Bạch Ðằng (Quận 1) đi bến Linh Ðông (thành phố Thủ Ðức); tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Ðằng (Quận 1) đi bến Ðình, bến Dược (huyện Củ Chi), Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hay tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Ðằng (Quận 1) đi thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Du lịch đường biển (Cruise) được khai thác từ các cảng Cát Lái, Phú Hữu, thành phố Thủ Ðức; cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, Quận 4... nhằm phục vụ khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh tham quan. Ngoài ra, một mô hình khai thác khá lâu là tuyến du lịch bằng du thuyền, tàu nhà hàng, ẩm thực giải trí về đêm trên sông Sài Gòn (đoạn từ hạ lưu cầu Sài Gòn đến Mũi Ðèn Ðỏ). Theo đó, lợi thế của hệ thống đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh chính là kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Ðồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt, kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng ngoại thành, hệ thống sông ngòi tạo ra các vùng đất ngập nước trù phú, hệ sinh thái đa dạng với các làng có truyền thống lâu đời làm nghề nông, tiểu thủ công, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, trồng rừng... Tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, thưởng ngoạn. Thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố, 11 tháng năm 2022, thành phố đã thu hút gần 28 triệu lượt hành khách sử dụng các phương tiện đường thủy và sản lượng hành khách tăng đều qua các năm.

Chia sẻ những lợi thế phát triển du lịch đường thủy, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết: Với diện tích hơn 33ha (rừng ngập mặn chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện), hệ thống sông rạch chằng chịt, chính là điều kiện để thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Từ thế mạnh này, thời gian qua chính quyền huyện đã thu hút và tập trung phát triển du lịch đường thủy, qua đó, hằng năm thu hút hơn 50 nghìn lượt du khách đến tham quan Cần Giờ bằng đường thủy. Huyện Cần Giờ đã tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khu, điểm du lịch xây dựng các chương trình du lịch đường sông vừa mang tính trải nghiệm, vừa giới thiệu được vẻ đẹp sông nước, rừng ngập mặn Cần Giờ-"Khu dự trữ sinh quyển thế giới"; tập trung đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư cầu tàu, bến đỗ, trong đó có năm cầu tàu bến đỗ do nhà nước đầu tư.

Ðược sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đang phối hợp với một số sở, ngành sớm đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ-Thành phố Hồ Chí Minh đi Vàm Láng huyện Gò Công Ðông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại. Ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, là công ty khai thác một số tuyến tàu cao tốc tại thành phố đề xuất: Với tiềm năng và điều kiện về hệ thống đường thủy, thành phố cũng như Sở Giao thông vận tải nên xem xét phát triển 16 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xem xét kết nối với các tỉnh lân cận, hình thành dọc các tuyến kênh rạch như sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ, kênh Ðôi, Thanh Ða, Tân Hóa-Lò Gốm nhằm thu hút lượng khách tiềm năng đến tham quan, du lịch thành phố...; hay đầu tư khai thác 13 tuyến vận tải hành khách công cộng buýt đường thủy nhằm đa dạng thêm các hình thức vận tải. Các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư các tuyến vận tải hành khách đường thủy liên tỉnh như Sài Gòn-Mỹ Tho, Sài Gòn-Tân An-Cao Lãnh, Sài Gòn-Dầu Tiếng, Biên Hòa-Sài Gòn... Ông Trần Song Hải cũng nhìn nhận không ít vướng mắc cần được thành phố tháo gỡ để du lịch đường thủy phát triển xứng tầm. Ðó là, Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm giải phóng vùng nước và bờ, giải tỏa nhà dân trên và ven các tuyến giao thông thủy, xây dựng kè bờ, nạo vét luồng hạ độ sâu, mở rộng mặt nước để tăng khả năng thủy vận; xem xét nâng tĩnh không của các cầu trên một số tuyến có nhu cầu giao thông thủy cao. Ưu tiên cho nhà đầu tư khai thác vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy thuê đất theo quy định để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng bến đầu, cuối, trạm lên xuống hành khách dọc tuyến, khu dịch vụ kỹ thuật và đậu đỗ của tàu thuyền trên cơ sở các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, công ty đã, đang hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến các tuyến, dịch vụ trên sông phù hợp với đối tượng du khách trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp này mong muốn, chính quyền thành phố cần quyết tâm, quyết liệt tạo điều kiện thông thoáng về pháp lý, chính sách thuế... để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khai thác, kinh doanh du lịch đường sông. Thành phố sớm có chủ trương, chính sách tạo sự liên kết các tổ chức kinh doanh du lịch đường sông đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật như bến tàu, cầu tàu, cảnh quan, mái che đường đi, nhà vệ sinh, khu ăn uống, khu giải trí, khu ẩm thực, khu mua sắm... dọc theo sông Sài Gòn và các kênh chính nội đô; trước mắt là một số điểm ưu tiên để thu hút khách du lịch như Bến Bạch Ðằng, khu vực cầu Sài Gòn, Bình Quới-Thanh Ða, kênh Nhiêu Lộc...; quan tâm đến công tác khai thoáng luồng lạch, vệ sinh và an ninh, an toàn cho du khách ■