Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 174 đô thị, gồm: Một đô thị trực thuộc Trung ương; hai đô thị loại I thuộc tỉnh; 12 đô thị loại II; chín đô thị loại III; 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.
Theo một số nghiên cứu, dự báo đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng từ 0,5-1 m kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% số dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố ở vùng này đều có nguy cơ ngập. Trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau); thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng); thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang); thành phố Cần Thơ.
Phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng, sẽ có khu vực ngập sâu trung bình từ 2 m thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; khu vực ngập trung bình 1 m đến 2 m thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ; khu vực ngập nông thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, hàng chục đô thị có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm nhập mặn…
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, đối với phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị. Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải tích hợp được các khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 và giai đoạn 2020-2030. Theo đó, tại khu vực ngập sâu và ngập sâu trung bình sẽ hạn chế phát triển đô thị quy mô lớn và hạn chế san lấp mặt bằng quy mô diện tích lớn; phát triển đô thị theo tuyến song song với hướng thoát lũ nhằm giảm tác động của lũ đến đô thị.
Tại khu vực ngập, phát triển đô thị quy mô diện tích lớn; tập trung theo hình thái đô thị nén; dành quỹ đất cần thiết để đào hồ, kết nối kênh, rạch bảo đảm tiêu thoát nước; xây dựng mới, cải tạo và vận hành tốt các tuyến đê ngăn triều ở các cửa sông nhằm hạn chế tác động ngập lụt và xâm nhập mặn đến đô thị. Cũng cần đề ra mô hình phát triển hệ thống đô thị-nông thôn, phát triển đô thị phải bảo đảm sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có…
Theo đại diện Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, nguyên tắc chung của phát triển đô thị chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu là phải đi kèm với phương án dự phòng các rủi ro trong tương lai do triều cường cộng với tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, cần tính đến rủi ro trong các dự án tương lai, tuân thủ các quy định về dự phòng rủi ro có tính đến biến đổi khí hậu như phạm vi, mực nước, tính chất của dự án.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, để từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy”. Dự án này đã được thông qua chủ trương với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu euro) từ nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026. Theo đó, xây dựng thành phố Ngã Bảy thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm của tỉnh để bảo đảm xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh Hậu Giang.
Cũng theo đồng chí Đồng Văn Thanh, Hậu Giang đang từng bước có các chính sách quản lý rủi ro thiên tai và lồng ghép các chính sách này vào quy hoạch phát triển của tỉnh. Tỉnh sử dụng các công cụ, phương pháp để tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển hạ tầng đô thị, giúp tăng cường khả năng chống chịu. Thời gian tới, Hậu Giang cũng sẽ có điều chỉnh các định hướng chính về cách tiếp cận khả năng chống chịu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường nhận thức về rủi ro trong triển khai thực hiện…