Phát triển Đảng trong trường học - giải pháp cần cụ thể hơn

Thời gian gần đây, công tác kết nạp đảng viên đối với học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn, các cấp, các ngành cần vào cuộc với những giải pháp cụ thể hơn, chứ không chỉ coi đây là việc riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, Bùi Huyền Mai và các đại biểu chúc mừng hai đảng viên trẻ tại Chi bộ trường THPT Nhân Chính. (Ảnh HỒNG THÁI)
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, Bùi Huyền Mai và các đại biểu chúc mừng hai đảng viên trẻ tại Chi bộ trường THPT Nhân Chính. (Ảnh HỒNG THÁI)

Cuối tháng 3/2023, Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức kết nạp đảng viên cho ba học sinh tại hai Trường trung học phổ thông Nhân Chính và trung học phổ thông Khương Đình.

Dấu ấn tự hào

Đây là ba đảng viên đầu tiên của Đảng bộ quận được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai mong muốn Chi bộ hai trường tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đảng viên mới để trở thành đảng viên chính thức, đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới, để phát triển Đảng trong nhà trường thời gian tới.

Tại Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, từ năm 2022 đến nay, Đảng bộ trường đã kết nạp được năm học sinh ưu tú vào Đảng. Đây không chỉ là những học sinh giỏi toàn diện, đạt thành tích trong học tập, mà luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động rèn luyện. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ, nhà trường dành sự ưu tiên cho công tác tạo nguồn kết nạp đảng.

Thực tế cho thấy, cấp ủy, chi bộ nào thật sự sâu sát, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể tạo nguồn đảng viên từ đoàn viên ưu tú, thì sẽ phát triển được đảng viên là học sinh; đồng thời cũng tạo động lực, khích lệ học sinh ưu tú phấn đấu. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao với cha mẹ học sinh ngay từ khi xác định rõ nguồn phát triển đảng viên là học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã luôn quan tâm đặc biệt đến công tác này, nhất là phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học. Nhờ đó, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng giáo viên, sinh viên đạt được kết quả tích cực, số lượng đảng viên không ngừng lớn mạnh. Cơ cấu đảng viên có sự chuyển biến, chất lượng đảng viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Mặc dù vậy, số lượng đảng viên mới kết nạp chưa nhiều. Từ năm 2017 đến 2022, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó, có sáu học sinh ở các trường trung học phổ thông. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số đảng viên mới của thành phố.

Chất lượng song hành số lượng

Bên cạnh việc một số cấp ủy, trường học vẫn còn chưa thật sự chú trọng công tác này, thực tế cho thấy, còn nhiều trường hợp đoàn viên là học sinh được bồi dưỡng trong thời gian dài, có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, nhận thức và yêu cầu về kết quả học tập, nhưng sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục để kết nạp Đảng thì rơi vào thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Lúc này, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường.

Đoàn viên phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Do vậy, cấp ủy đảng trong nhà trường không thể ra các quyết định liên quan đến kết nạp Đảng. Các học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp Đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, về độ tuổi kết nạp Đảng, đối với những trường hợp học sinh ưu tú, xuất sắc trong các trường trung học phổ thông, có thể xem xét linh hoạt về thời gian kết nạp Đảng cho đối tượng đặc thù này, chỉ cần đến năm đủ 18 tuổi là được (không tính tháng).

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, công tác phát triển đảng viên trong khối trường trung học phổ thông hiện nay của Hà Nội còn thấp, dư địa và tiềm năng rất lớn, nhưng hạn chế chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì phối hợp, tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để ban hành hướng dẫn, tiêu chuẩn về kết nạp đảng viên trong học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã nêu đề xuất mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mỗi năm học, mỗi trường trung học phổ thông kết nạp được ít nhất một đảng viên là học sinh; các trường trung học chuyên nghiệp, kết nạp từ 5 đến 10 đảng viên là học viên.

Để đạt mục tiêu này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, mà phải từ cấp ủy các cấp và Thành đoàn Hà Nội. Trong đó, các đồng chí Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng các nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, trong quá trình triển khai, cần thực hiện đồng thời hai mục tiêu về số lượng đảng viên kết nạp mới và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình phát triển đảng viên mới trong trường phổ thông, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn; song cần linh động, tạo cơ hội cho các học sinh có điều kiện và mong muốn được tham gia, trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, có sự lan tỏa. Các trường cũng cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh; thông qua công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên trong học sinh, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.