Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận kết quả, thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 49 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh và chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có 372/463 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,35% (tăng 240 trường so với năm học 2012-2013).
Tỉnh có gần 17.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; có 13.228/15.215 cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, chiếm 86,9%; trên chuẩn là 357/15.215 chiếm 2,35%.
Đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục và đào tạo có 4 tiến sĩ, 330 thạc sĩ, 11.475 đại học, 2.903 trung cấp.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển Đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn. Cơ sở vật chất các trường được đầu tư chưa đồng bộ, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa, chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn khó khăn. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường và địa phương.
Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đạt thấp; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục còn hạn chế…
Đồng chí Vũ Thanh Mai đánh giá cao những kết quả trong công tác giáo dục-đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thời gian qua. Đoàn ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp trình Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn giúp tỉnh giải quyết hiệu quả những mặt hạn chế trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo lộ trình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.