Phát triển cụm công nghiệp làng nghề

Ðể đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, thời gian qua thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng mới, mở rộng nhiều cụm công nghiệp. Năm 2024, thành phố đặt kế hoạch khởi công tiếp 23 cụm công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ giới thiệu các dự án Cụm công nghiệp Tam Hiệp, Liên Hiệp.
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ giới thiệu các dự án Cụm công nghiệp Tam Hiệp, Liên Hiệp.

Tam Hiệp và Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) là hai xã làng nghề, với hơn 1.000 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc, may mặc, cơ khí…, tạo nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất vẫn tập trung trong khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng mặt bằng, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhưng thiếu quỹ đất.

Trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển ngành công nghiệp của hai xã Tam Hiệp, Liên Hiệp và nhằm từng bước quản lý, đưa các cơ sở sản xuất ra khu sản xuất tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ đã trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2), với tổng diện tích hơn 32 ha. Sau gần ba năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và nỗ lực giải phóng mặt bằng, giữa tháng 1/2024, dự án đã được khởi công xây dựng.

Tại lễ khởi công, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhất là việc rút ngắn các thủ tục hành chính để hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng, đưa cụm công nghiệp vào hoạt động trong thời gian sớm nhất và đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại cụm công nghiệp.

Cuối tháng 12/2023, Ủy ban nhân dân huyện Ðan Phượng đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Song Phượng, với quy mô gần 6,7 ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng. Cụm công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi giao thương hàng hóa, kết nối và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội, các quận, huyện. Dự án được xây dựng theo hướng hiện đại, xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp ở xã Song Phượng và vùng lân cận vào thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, Cụm công nghiệp Song Phượng sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho các làng nghề ở địa phương; thúc đẩy quá trình phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, xây dựng, chế biến thực phẩm, nông sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trước đó, đầu tháng 9/2023, bốn cụm công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã được xây dựng mới tại huyện Ðông Anh, gồm Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà), Cụm công nghiệp Liên Hà 2 (xã Liên Hà), Cụm công nghiệp Dục Tú (xã Dục Tú) và Cụm công nghiệp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm), nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của địa phương, như chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... vào hoạt động.

Bốn cụm công nghiệp đều được xây dựng theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao nhằm thu hút các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần chuyên nghiệp hóa sản xuất làng nghề và tiểu thủ công nghiệp…

Như vậy, việc đầu tư xây dựng mới, mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có chuyển biến tích cực, nhưng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tại các địa phương.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cụm công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024.

Thành phố sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút các chủ đầu tư hoàn thiện kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp, nhằm hoàn thành kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp theo quy hoạch; đồng thời yêu cầu các cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động phải có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

Ðể kế hoạch trên triển khai nhanh chóng, hiệu quả, thành phố cần giao các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp và tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, tránh các hình thức biến tướng, vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại các cụm công nghiệp.