Phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình

NDO - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng và phát triển, chia sẻ dữ liệu số của ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy.
Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” được tổ chức ngày 1/10/2024 tại Hà Nội. (Ảnh: Ban tổ chức).
Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” được tổ chức ngày 1/10/2024 tại Hà Nội. (Ảnh: Ban tổ chức).

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” vào ngày 1/10/2024 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Trung tâm Công nghệ thông tin-cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổ chức hội thảo. Hội thảo lần 1 trước đó đã được tổ chức thành công vào năm 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Hội thảo năm nay là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tài nguyên số là một trong những tài nguyên lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng cần tập trung quản trị và khai thác để biến thành động lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo. Ở góc độ quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Chính phủ cho phép hình thành các hạ tầng cứng trong vấn đề công nghệ thông tin, ban hành các chiến lược, kế hoạch số hóa một số lĩnh vực như thư viện, du lịch, di sản

Phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình ảnh 1
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tài nguyên số là một trong những nguồn tài nguyên lớn cần tập trung quản trị, khai thác. (Ảnh: Ban tổ chức)

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về dữ liệu, đến thời điểm này, Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước đã tạo lập được 6.290 tài khoản trên hệ thống ngành văn hóa, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối, đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức.

Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các trường thông tin chưa đúng, còn thiếu về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm dữ liệu Đúng-Đủ-Sạch-Sống.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay, đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, như: số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch; số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.

Sau khi hoàn thành việc khảo sát cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ đã xây dựng danh mục 17 cơ sở dữ liệu dùng chung theo quy định chung về xây dựng cơ sở dữ liệu và 38 cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ. Trong đó, 23 cơ sở dữ liệu mở cần được cập nhật thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần, bảo đảm cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.

Trong đó, Bộ tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác bảo đảm an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024, và tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án, đó là: Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” dự kiến sẽ diễn ra trong 1 ngày tại Phòng họp tầng 2, Khách sạn Pan Pacific Hanoi.