Phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi

Thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gặp không ít khó khăn, vướng mắc do một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ trong ngày và bày bán tại chợ, chưa quen tiêu dùng các sản phẩm thịt mát…
0:00 / 0:00
0:00

Ðược thành lập năm 2020, đến nay mô hình nuôi thỏ theo chuỗi khép kín của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật, tại xã Lam Ðiền, huyện Chương Mỹ ngày càng chứng minh hiệu quả. Với diện tích 1ha, hợp tác xã thường xuyên nuôi 700 con thỏ nái và 50 con thỏ đực để phối giống. Mô hình nuôi thỏ được thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số kỹ thuật. Trên mỗi lồng nuôi đều có bảng theo dõi cụ thể từng con và quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Trung bình mỗi tháng, hơn 4.000 thỏ con được sinh ra và được chăm nuôi trong vòng 45 ngày thì xuất bán. Ðáng chú ý, dù số lượng thỏ bán ra lớn, nhưng nhờ có kế hoạch chăn nuôi, tiêu thụ rõ ràng cho nên toàn bộ đầu ra sản phẩm được bảo đảm.

Công ty cổ phần Tiên Viên được thành lập vào tháng 10/2001 từ một trang trại có quy mô 1,6ha đất úng trũng cấy lúa kém hiệu quả, đến nay công ty có hơn 10ha chuyên sản xuất trứng gà sạch và gà bố mẹ. Qua hơn 20 năm, công ty đã từng bước phát triển, xây dựng thành công thương hiệu Tiên Viên. Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 30 triệu quả trứng, hơn ba triệu con giống chất lượng cao.

Ðại diện Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cho biết, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là một giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bước đầu nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người chăn nuôi, đưa Chương Mỹ trở thành địa phương dẫn đầu thành phố về chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay thành phố có đàn lợn hơn 1 triệu 600 nghìn con, đàn gia cầm dao động từ 37 đến 38 triệu con; 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm... Trên địa bàn thành phố có 20 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi và hơn 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hằng ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 13,5 tấn thịt gia cầm, 120 nghìn quả trứng gia cầm, khoảng 100 tấn sữa tươi. Tại các chuỗi liên kết, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các chuỗi liên kết giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, được người tiêu dùng tin cậy.

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tốc độ đô thị hóa nhanh, trực tiếp ảnh hưởng đến các vùng, trang trại chăn nuôi và hệ thống chuỗi liên kết. Một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng được giết mổ trong ngày và bày bán tại chợ dân sinh, chợ truyền thống, phần nào kìm hãm sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện tích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường, để khắc phục, hạn chế khó khăn, thời gian tới định hướng của ngành chăn nuôi Hà Nội là không tăng số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng; chăn nuôi gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo quy hoạch theo vùng và công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường; đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm.