Tại Ðồng Nai, tính đến hết năm 2023, tổng đàn lợn của tỉnh có hơn 2,4 triệu con (đứng đầu cả nước), đàn gà có hơn 25 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9%. Tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn ước đạt hơn 676,4 nghìn tấn thịt các loại (tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm trước)…, cơ bản đáp ứng việc cung cấp thực phẩm trong tỉnh và thị trường lân cận như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỉnh đang duy trì, mở rộng quy mô đối với các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, điển hình là chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek.
Ở Hà Nội, tình hình chăn nuôi của thành phố phát triển ổn định, với tổng đàn gia cầm hơn 41 triệu con, đàn lợn hơn 1,4 triệu con. Hiện Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần nâng cao kinh tế chăn nuôi.
Thành phố hiện có một số vùng chăn nuôi tập trung, gồm: Hai vùng chăn nuôi bò sữa, bốn vùng chăn nuôi lợn và chín vùng chăn nuôi gia cầm. Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh thông tin thêm, bình quân mỗi ngày công ty cung cấp hàng tấn thịt lợn sạch cho thị trường.
Tại Nghệ An, đến hết năm 2023, tổng đàn bò của tỉnh ước đạt 535 nghìn con, trong đó bò sữa có 80,5 nghìn con; sản lượng sữa bò tươi là 317 nghìn tấn, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn có 970 trang trại chăn nuôi; đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Ðặc biệt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển khá mạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan.
Ở Bình Phước, thời gian qua, ngành chăn nuôi có bước phát triển tốt, theo hướng công nghiệp hiện đại; với 478 trang trại, trong đó tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66%; thu hút được một số doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm lực đầu tư, như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Tập đoàn Dabaco…
Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Phạm Kim Ðăng, để chăn nuôi có thêm nhiều tín hiệu vui, cần tiếp tục xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðặc biệt nên khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.
Có ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: Tổng đàn vật nuôi lớn, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khá cao, do vậy việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập. Việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến còn hạn chế, số cơ sở giết mổ vật nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều, các chuỗi liên kết sản xuất còn ít…
Theo các chuyên gia, thời gian tới ngành chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn như: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp bối cảnh mới, phát triển một số loại vật nuôi lợi thế theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn; cần phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái. Ðồng thời ngành cần tiếp tục cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn…; lai tạo các tổ hợp gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp, lựa chọn và phát triển các giống gà đặc sản gắn với từng vùng; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng; quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi; giảm chi phí sản xuất.
Ðối với chăn nuôi nông hộ, ngành chăn nuôi cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, an toàn, khuyến khích người dân tận dụng phụ phẩm làm thức ăn sinh học và tranh thủ lao động tự phối trộn thức ăn; có thêm các chính sách hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn để doanh nghiệp, người chăn nuôi đầu tư, mở rộng sản xuất; tạo nhiều chuỗi liên kết khép kín, chú trọng khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sản xuất theo chuỗi với các nơi có quản lý bằng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Trong khi đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường xây dựng liên kết ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác…) để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu; tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh, để đạt hiệu quả kinh tế cao, các hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.