Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, đối với ngành chăn nuôi nước ta, chăn nuôi lợn được xác định là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung (mô hình trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín, trong đó doanh nghiệp là trung tâm), hàng hóa, quy mô lớn.
Hiện sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ chỉ từ 35% đến 40%, còn trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm từ 60% đến 65%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng sáu tháng đầu năm ước đạt hơn 2,5 triệu tấn. Hiện, chăn nuôi lợn tập trung nhiều nhất ở vùng trung du và miền núi phía bắc (chiếm khoảng 22,9%), các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (19,8%), Đông Nam Bộ (19,6%) và Đồng bằng sông Hồng (19,4%). Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây là: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai...
Cùng với đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước và nước ngoài: Dabaco, Masan, Tân Long, Mavin, Greenfeed, Hòa Phát...; CP, Japfa Comfeed, New Hope, Cargill..., đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi, góp phần hiện đại hóa ngành chăn nuôi lợn. Cả nước hiện có 970 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên lợn tại 55 tỉnh, thành phố. Thí dụ như Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã đưa vào hoạt động “chung cư chăn nuôi lợn 3 tầng có thang máy”, theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, phù hợp từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và tình trạng sức khỏe của đàn lợn. Thương hiệu “thực phẩm A-Z” (khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối) đạt tiêu chuẩn OCOP của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thành phố và được người tiêu dùng tin tưởng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước đã có những hướng đi mới như chăn nuôi hữu cơ (Tập đoàn Quế Lâm...), chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi giống bản địa; góp phần làm đa dạng sản phẩm, đồng thời thiết lập dòng sản phẩm theo phân khúc thị trường và tiến tới xuất khẩu nhiều dòng sản phẩm từ thịt lợn trong tương lai.
Bên cạnh những việc làm được, ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt nhiều thách thức: Tổ chức sản xuất gắn với thị trường còn bất cập, năng suất sản xuất còn hạn chế, chưa phát triển được các thương hiệu lợn bản địa, đặc hữu. Chăn nuôi lợn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi (hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% số nguyên liệu, còn lại 65% phải nhập khẩu). Chi phí đầu vào sản xuất vẫn cao (chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 đến 70% giá thành sản xuất). Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện nhiều. Chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thật sự được triển khai đồng bộ bởi phần lớn người chăn nuôi còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và điều kiện kinh tế để thực hiện. Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại tại một số địa phương phần lớn là ở các nông hộ, chưa bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo Cục Chăn nuôi, để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định, cần thực hiện ngay một số giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở nuôi giữ giống, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh; xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi; khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai, áp dụng rộng rãi mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho các loại hình chăn nuôi; hỗ trợ và phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn; tạo cơ chế và hành lang pháp lý để gắn kết các tác nhân trong chuỗi,
giữa sản xuất với thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại, đặc biệt tác động vào khâu giết mổ và chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho biết, thời gian qua giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định. Để bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tới cần kiểm soát thị trường tốt, chống buôn lậu gian lận thương mại hiệu quả.
Mặt khác, cơ quan quản lý cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu, bảo quản và nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương; từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu; tăng cường kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; áp dụng các phần mềm để bảo đảm cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/8 vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn nhiều, đây là thời điểm thích hợp cho ngành chăn nuôi lợn chuẩn bị điều kiện cần thiết để có đủ nguồn cung thịt lợn cho thị trường; trước mắt, cần bảo đảm cung cấp đủ lượng giống có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ công tác giết mổ, chế biến gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động ngăn chặn việc nhập lậu lợn vào nước ta. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu; giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng ■