Nhu cầu lớn
Trước nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ hiệu quả, bền vững môi trường sống hiện tại và tương lai, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo, giai đoạn 2021 - 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 14,609 triệu héc-ta rừng hiện có và diện tích trồng được trong giai đoạn này; mỗi năm trồng rừng đạt 230 nghìn ha, trong đó, rừng phòng hộ và đặc dụng đạt từ 4.000 đến 6.000 ha; trồng rừng sản xuất là 225 nghìn ha/năm, trong đó trồng cây gỗ lớn đạt hơn 30% và trồng 50 triệu cây phân tán mỗi năm.
Việt Nam xuất khẩu từ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng đều hằng năm, từ 6,9 tỷ USD năm 2015 đã tăng mạnh lên 12,37 tỷ USD năm 2020 và hết năm nay dự kiến xuất khẩu đạt hơn 14 tỷ USD. Do chưa đáp ứng đủ nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất, chế biến cho các doanh nghiệp, nên bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5 đến 6 triệu mét khối gỗ nguyên liệu. Trong đó, khoảng 40 đến 45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55 đến 60% còn lại là gỗ ôn đới. Từ đầu năm đến nay, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu mét khối quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo tổ chức Forest Trend, Việt Nam đã trở thành quốc gia quan trọng trên bản đồ cung cấp các sản phẩm đồ gỗ cho thế giới. Gỗ nguyên liệu đầu vào là một trong những động lực quan trọng để ngành phát triển. Mặc dù nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu nội địa lớn, tuy vậy, hiện vẫn chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu dùng nội địa. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn, xẻ và các loại ván đã trở thành nguồn cung đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp để chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa.
Nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ ổn định, bền vững luôn được các nhà doanh nghiệp đặt lên hàng đầu trong mục tiêu sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Đẩy mạnh nguồn nguyên liệu gỗ
Theo tính toán của các nhà quản lý, hiện nay, nguyên liệu phục vụ ngành gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70%, nếu tỷ trọng cung ứng nguyên liệu nội địa tăng lên thì việc xuất siêu sẽ còn cao hơn nhiều so với hiện tại.
Keo hiện đã trở thành nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ quan trọng nhất hiện nay. Nguồn gỗ này hiện đang được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm, nhất là trong các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro thấp với lượng cung chủ yếu là từ các hộ gia đình được Nhà nước giao đất để phát triển nguồn gỗ rừng trồng. Phát triển gỗ keo rừng trồng không chỉ có ý nghĩa đối với việc phát triển của ngành gỗ mà còn trực tiếp góp phần tạo nguồn sinh kế hộ gia đình. Keo là loài gỗ rừng trồng có mức tăng trưởng cao nhất so với các loài gỗ rừng trồng khác hiện có ở Việt Nam. Sản lượng khai thác loài gỗ này hằng năm rất lớn, đạt gần 50 triệu mét khối gỗ tròn mỗi năm. Sản lượng ngày càng có xu hướng tăng, bởi nhu cầu của thị trường về loài gỗ này, cộng thêm các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng, cải thiện về khoa học, công nghệ trong trồng, chăm sóc và quản lý các diện tích rừng.
Tiềm năng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng loài gỗ keo ở Việt Nam trong tương lai là rất lớn. Do đó, một mặt cần tăng diện tích trồng keo, mặt khác cần áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng loại cây lấy gỗ đang được trồng phổ biến này. Để làm được điều này đòi hỏi các hộ trồng keo cần tiếp cận với các kiến thức mới về mặt khoa học, kỹ thuật. Kết hợp với các doanh nghiệp và củng cố công tác khuyến lâm địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giá trị gỗ keo trên một đơn vị sản phẩm. Hiện, các diện tích keo có chứng chỉ FSC mới chỉ đạt dưới 15% trong tổng diện tích keo hiện có. Do vậy, việc mở rộng diện tích có chứng chỉ đem lại giá trị cao hơn cho nguồn cung của loại gỗ này.
Cùng với cây keo, cây cao-su hiện cũng đóng vai trò rất lớn trong sản xuất, chế biến các mặt hàng đồ gỗ. Hiện, cả nước có hơn 940.000 ha cao-su, trong đó, có khoảng 300.000 ha cao-su đại điền do Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) quản lý. Hằng năm, ngành chế biến gỗ của Việt Nam sử dụng khoảng 5 triệu mét khối gỗ cao-su nguyên liệu; trong đó, chủ yếu nguồn cung trong nước (cao-su đại điền 4,69 triệu mét khối (chiếm 92%), còn lại khoảng 0,8% là gỗ cao-su tiểu điền) và nhập khẩu khoảng 30.000 m3 gỗ cao-su từ các nước trên thế giới. Các mặt hàng làm từ gỗ cao-su đem lại kim ngạch 1,7 đến 1,8 tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ. Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo lượng gỗ cao-su thanh lý cung cấp ra thị trường thời gian tới sẽ có sự sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng dưới 50% lượng cung hằng năm so với trước đây.
Với hơn 90% lượng cung gỗ cao-su hiện nay có nguồn gốc từ cao-su đại điền, gỗ cao-su có tiềm năng trong việc nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc gỗ có chứng chỉ gỗ bền vững. Đến nay, đã có hơn 54.500 ha cao-su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM. Thực tế, các vườn cao-su tập trung, có diện tích lớn, với chủ sở hữu đồng nhất là những lợi thế quan trọng trong việc giảm chi phí đánh giá thực hiện chứng chỉ. Gỗ có chứng chỉ FSC trở thành một lợi thế quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành gỗ.
Đáp ứng nhu cầu đồ gỗ của thị trường trong nước và thế giới, yêu cầu đặt ra cho các nhà sản xuất phải tập trung phát triển đa dạng các vùng nguyên liệu gỗ, trong đó chú trọng các vùng sản xuất gỗ nguyên liệu có chứng chỉ quốc tế. Ngoài gỗ cao-su, keo để chế biến các đồ dùng thông thường, hiện cả nước đã phát triển nhiều vùng nguyên liệu gỗ khác như chò chỉ, mun, trắc, xoan đào, gụ, hương, tần bì… tập trung theo mô hình rừng sản xuất và phân tán. Tuy nhiên, những vùng sản xuất nguyên liệu gỗ hiện nay còn hạn chế do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, chính sách quy hoạch, phong tục, tập quán canh tác hạn chế. Đây là những bài toán cần sớm tìm ra lời giải để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nguyên liệu gỗ trong nước phục vụ ngành công nghiệp gỗ ngày càng phát triển… ■