Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại và suy giảm vì nhiều khó khăn mới nảy sinh, trong khi những vấn đề bức xúc tồn tại lâu nay vẫn chưa được giải quyết. Đó là phản ánh chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Thủ tục chồng chéo, phiền hà
Một trong những khó khăn được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây là những bất cập trong lĩnh vực y tế. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ công tác về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra hàng loạt bất ổn trong các quy định pháp luật có liên quan đang khiến hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trở nên hết sức khó khăn, thậm chí không thực hiện được. Hệ quả là năng lực khám, chữa bệnh của các bệnh viện suy giảm, làm thiệt hại đến lợi ích của bệnh nhân. Đơn cử, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về giá thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn phải giải trình nguyên nhân. Thế nhưng trên thực tế, đơn vị khám, chữa bệnh không biết lấy theo giá nào vì một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhiều nhà phân phối và tại mỗi thời điểm sẽ có mức giá khác nhau. Trường hợp lấy giá thấp, sẽ không có đơn vị nào tham gia đấu thầu, còn lấy giá cao hơn thì trái quy định của pháp luật. Hơn nữa, nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng đổ lại thì có nghĩa giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước. "Đến một thời điểm nào đó, giá của hàng hóa sẽ về 0, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường cao hơn năm trước và kinh doanh phải có lợi nhuận. Vì vậy, không doanh nghiệp nào muốn tham gia thầu, còn đơn vị khám, chữa bệnh không mua được đầy đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế cần thiết với chất lượng tốt", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phân tích. Mặt khác, quy định trang thiết bị y tế khi mua sắm phải dựa vào định mức chung cho các bệnh viện trên toàn quốc cũng là áp đặt chủ quan, không phù hợp yêu cầu thực tế. Vì cùng là bóng đèn của máy chụp CT, có bệnh viện dùng cả năm không sao nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ba tháng đã hỏng, không thể dùng được vì số lượng bệnh nhân rất lớn, tần suất hoạt động cao. Khi mua sắm, bắt buộc phải mua bóng đèn đồng bộ với máy, nhưng như vậy lại vi phạm quy định chỉ định thầu, còn không mua đồng bộ thì máy "trùm mền" vì không ra kết quả chính xác. Vì vậy, muốn đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của bệnh nhân, bệnh viện chỉ có cách... vi phạm pháp luật!
Đáng lưu ý, doanh nghiệp còn phản ánh về vấn đề bị bắt bẻ câu chữ trong hồ sơ, giấy tờ làm thủ tục đầu tư, kinh doanh chỉ vì các quy định thiếu rõ ràng, tường minh, nhưng cán bộ cũng không có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ. Bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay liên quan Luật Đất đai, thuế quan, thủ tục hành chính, vay vốn kinh doanh,... Trong đó, thủ tục hành chính rất rườm rà, chồng chéo, áp dụng không thống nhất giữa các địa phương và xuất hiện nhiều "thủ tục con". Những bất cập này khiến doanh nghiệp bị kéo dài thời gian làm thủ tục, dẫn đến chậm tiến độ, mất cơ hội đầu tư, thiệt hại tiền vốn. "Để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, địa phương nên tạo điều kiện cho các cơ quan giúp đỡ doanh nghiệp. Chúng tôi mong được hướng dẫn đồng bộ, thống nhất và công khai, minh bạch quy trình thủ tục đầy đủ từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi vận hành dự án, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh", bà Nguyễn Thu Hiền bày tỏ.
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. (Ảnh DUY ĐĂNG) |
Mất động lực cạnh tranh
Tình cảnh của nhiều doanh nghiệp sau hơn hai năm đại dịch, như phản ánh của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam là "đắp chăn ngủ". Nguyên nhân do hệ thống pháp luật hiện nay có nhiều xung đột, chồng chéo, cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm. Bởi vậy, đội ngũ doanh nhân mặc dù rất sốt ruột, trăn trở với những khó khăn mới của nền kinh tế, mong muốn đưa doanh nghiệp phát triển, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng đành phải ngồi yên, thúc thủ trước những rào cản này. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan hoạch định chính sách tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và xuống cơ sở nhiều hơn để thấu hiểu, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và tiếp thu, sửa đổi quy định pháp luật không phù hợp, gỡ bỏ rào cản tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đầu tư, tăng tốc sản xuất, kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, trong những biểu hiện về sự chững lại của tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh, đáng lo ngại nhất là chính quyền địa phương mất động lực trong cuộc ganh đua cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận nhất có thể cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Những cải cách của Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi đã "cởi trói" cho khu vực kinh tế tư nhân bừng lên. Thêm vào đó, hành trình gần 20 công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã tạo ra sự ganh đua, cạnh tranh rất lành mạnh giữa các địa phương để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Trong cuộc đua đó, khi nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp khó khăn, các cơ quan liên quan và lãnh đạo địa phương thường rốt ráo tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thực tiễn sôi động này hiện đang bị phủ trùm bằng một bầu không khí và thái độ làm việc khác hẳn. Đó là các cơ quan, đơn vị tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật "chuẩn theo đúng từng câu, từng chữ", thay vì theo nội dung và tinh thần của điều luật trong giải quyết thủ tục hành chính hoặc linh hoạt giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, công chức cấp dưới không báo cáo lên cơ quan cấp cao hơn về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư nếu chưa tìm được "hầm trú ẩn" an toàn về pháp lý. Từ tâm lý sợ sai, khi giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, đội ngũ công chức còn tìm cách gây thêm khó khăn hơn là tạo thuận lợi vì với cách làm đó, họ cảm thấy được an toàn hơn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính, vì thế cũng có thể kéo dài đến vô tận.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Coi trọng cải thiện môi trường kinh doanh cũng là giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp sau đại dịch, thông qua việc thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi chính sách; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính,…