Ðể phát huy văn hóa đọc, Ðồng Tháp đã có nhiều cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao, góp phần tô đậm thêm bản sắc của con người và vùng đất sen hồng...
Cách làm riêng độc đáo
Khóm 1, Phường 6, thành phố Cao Lãnh (thủ phủ tỉnh Ðồng Tháp) có gần 600 hộ dân với hơn hai nghìn nhân khẩu, trong đó có nhiều trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi... đi bán vé số dạo, rất cần một không gian để học tập, vui chơi vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Trước thực tế này, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân khóm Ngô Thị Ánh Tuyết, mong muốn tạo lập một điểm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập cho trẻ cũng như để người dân, đảng viên có thể đến đọc các loại sách, báo.
Năm 2023, từ gợi ý của Hội Khuyến học tỉnh và thành phố Cao Lãnh; được sự thống nhất của Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân Phường 6, đồng chí Ngô Thị Ánh Tuyết đã tận dụng một góc nhỏ của Văn phòng Ban Nhân dân khóm hình thành "Không gian đọc sách, học tập và sinh hoạt văn hóa". Ðến nay, không gian với hơn 300 đầu sách này đã trở thành địa điểm thân thuộc, mở cửa hằng ngày để phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân và đảng viên nơi đây.
Những năm gần đây, Thư viện tỉnh Ðồng Tháp hình thành các thư viện nhỏ và một phòng đọc chuyên đề. Mỗi thư viện nhỏ và phòng đọc chuyên đề đều có những công năng đặc biệt, mang lại hiệu quả cao, góp phần phát huy văn hóa đọc.
Ðầu năm 2024, mô hình "Thư viện cùng nông dân làm giàu” đã chính thức hoạt động theo phương thức “Thư viện lưu động” và tổ chức phòng đọc chuyên đề nông nghiệp-du lịch. Theo đó, thư viện lưu động kết hợp phục vụ tài liệu, tổ chức hoạt động đọc sách và kết nối với các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, quản trị nông sản… nhằm giúp bà con nông dân, sinh viên chuyên ngành nông nghiệp tiếp cận tài liệu, tư liệu, tri thức được đúc kết từ thực tiễn thành công ở cả trong nước và nước ngoài.
Thư viện lưu động đã thực hiện thành công bốn chuyến phục vụ tại các hội quán ở thành phố Sa Ðéc và hai huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự với năm chuyên đề rất thiết thực, thí dụ như cung cấp tất cả tài liệu liên quan đến sản phẩm xoài phục vụ bà con vùng xoài Mỹ Xương-huyện Cao Lãnh)... Giám đốc Thư viện tỉnh Ðồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh nhớ lại: "Lúc đầu, tôi chưa hình dung được sự ủng hộ của các cô bác nông dân ở hội quán. Các cô bác ở đây đã rất ngạc nhiên là vì sao có nhiều sách với những thông tin bổ ích cho nghề nông như vậy mà lâu nay họ không hề hay biết".
Một ngày cuối tháng 5/2024, chúng tôi đã có trải nghiệm thật thú vị tại phòng đọc chuyên đề nông nghiệp-du lịch ở Thư viện tỉnh. Như nhiều bạn đọc khác, chúng tôi được thưởng thức trà sen và nghe giới thiệu về phòng đọc cũng như các mô hình liên quan nông nghiệp nơi đây. Ðây là phòng đọc chuyên đề duy nhất đang hoạt động trong hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh trên cả nước.
Giám đốc Thư viện Trần Thị Mỹ Trinh cho biết: Phòng đọc chuyên đề này chính là nơi phục vụ những người muốn nghiên cứu chuyên sâu về hai lĩnh vực kinh tế trụ cột của Ðồng Tháp. Mô hình này đã góp phần xây dựng thư viện tỉnh trở thành trung tâm thông tin, địa chỉ học tập, môi trường giao lưu, nghiên cứu của nông dân, thành viên hội quán, sinh viên chuyên ngành và đông đảo người dân quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Trong phòng đọc, em Phạm Hoàng Yến Nhi (quê Bạc Liêu), sinh viên năm thứ nhất, ngành sư phạm mầm non, cho chúng tôi biết: "Em chọn phòng đọc chuyên đề để đọc sách tại chỗ. Sách ở đây rất phong phú, cách bài trí cũng rất khoa học, nhất là khu vực sách nông nghiệp. Ðọc các cuốn sách viết về sen giúp em thu nhận được nhiều tri thức hay để có thể làm được nhiều đồ dùng từ cây sen".
Bạn đọc trẻ tại phòng đọc chuyên đề nông nghiệp-du lịch, Thư viện tỉnh Đồng Tháp. |
Ra mắt cuối năm 2023, phòng đọc chuyên đề nông nghiệp-du lịch này có hơn 1.200 đầu sách (gồm hơn 5.000 bản, toàn bộ số sách đều do các cá nhân, đơn vị tặng thư viện) về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Chúng tôi còn gặp hai mẹ con chị Lê Thị Kim Ngoan (ngụ khóm Mỹ Phước, Phường 3, thành phố Cao Lãnh). Chị Ngoan cho biết, đây là lần đầu hai mẹ con đến Thư viện tỉnh, chị rất mong muốn con mình sau này sẽ thường xuyên đến đây để đọc được nhiều sách mở rộng hiểu biết.
Khích lệ thói quen đọc sách
Thành phố Cao Lãnh cũng rất chú trọng khuyến khích văn hóa đọc, xem việc thường xuyên đọc sách, học tập là một nhu cầu, một thói quen của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị. Thực tế, thành phố này đã phát triển khá tốt phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập...
Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Nguyễn Hoàng Thanh cho biết: "Ngành giáo dục thành phố luôn tích cực, chủ động tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia các hoạt động học tập; trong đó, phối hợp ban điều hành đường sách tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trường thường xuyên đưa học sinh đến tham gia các hoạt động văn hóa đọc tại đường sách".
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Thị Mai Trinh cho biết thêm: "Ðịa phương đang cố gắng để hoàn thiện các tiêu chí thành phố học tập toàn cầu đã đạt được. Vừa qua, thành phố đã trích một phần kinh phí sự nghiệp giáo dục để phát triển thành phố học tập toàn cầu thông qua việc phối hợp tổ chức lồng ghép các hoạt động, các buổi sinh hoạt tại đường sách. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài thành phố để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua đó, góp phần phát triển về văn hóa đọc".
Thư viện Ðồng Tháp là một trong những thư viện cấp tỉnh ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long đi đầu trong chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trên môi trường mạng. Các tài liệu số trên website của thư viện thường xuyên được cập nhật để bạn đọc dễ dàng tìm hiểu về văn hóa, vùng đất và con người Ðồng Tháp. Thư viện tỉnh có mục tiêu trở thành một điểm đến nằm trong tour du lịch của tỉnh…
Ðến nay, Hội Khuyến học tỉnh Ðồng Tháp đã vận động xây dựng được 266 tủ sách khuyến học đặt tại các trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng, hội quán, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhiều nhất là tại các trường tiểu học, trung học cơ sở. Tủ sách khuyến học hiện đã phủ khắp các trường tiểu học ở các xã biên giới các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự.
Tuy vậy, mô hình này chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nhìn nhận: Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, học sinh trong việc đọc sách, trong đó có thói quen và đam mê đọc sách. Cùng với đó, khung thời gian phục vụ bạn đọc ở các trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng không phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc cũng khiến việc phát huy hiệu quả Tủ sách khuyến học chưa được như mong muốn…
Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng một xã hội học tập không thể tách rời việc khuyến khích, phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng. Ðể lan tỏa văn hóa đọc đến từng hộ gia đình, mỗi gia đình cần có một không gian, kệ sách, tủ sách để trang bị sách, từ đó có thêm nhiều kiến thức, góp phần nâng cao thói quen đọc sách trong từng thành viên gia đình.
Cùng với đó, cần tiếp tục vận động hình thành, phát triển các tủ sách cộng đồng, điểm đọc sách cộng đồng, định kỳ thay thế đầu sách, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi ít có điều kiện tiếp cận thông tin từ sách; qua đó, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa văn hóa đọc sách. Việc này là cần thiết, không chỉ riêng ở Ðồng Tháp...